Sơn Đồng - Làng nghề tạc tượng nghìn năm tuổi

Sơn Đồng - Làng nghề tạc tượng nghìn năm tuổi

Bên trong một xưởng làm tượng tại làng Sơn Đồng.

Trải qua bao thăng trầm, làng nghề Sơn Đồng vẫn là địa chỉ uy tín mỗi khi khách có nhu cầu đặt hàng về hoành phi, câu đối, tượng Phật, đồ thờ... Bằng cái tâm với nghề, những nghệ nhân làng Sơn Đồng đã thổi hồn vào các tác phẩm để tạo nên những nét tinh hoa độc đáo, riêng biệt.

Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km về phía Tây Bắc, làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng đã có lịch sử lâu đời; với sản phẩm chuyên về tượng và đồ thờ sơn son thếp vàng, thếp bạc, phục vụ đời sống văn hóa tâm linh tín ngưỡng của người dân cả nước. Du khách đến thăm Sơn Đồng đều ấn tượng trước những sản phẩm mang chiều sâu văn hóa tâm linh; đặc biệt là những bức tượng đầy biểu cảm trên khuôn mặt. Nơi đây từng được Sách Kỷ lục Việt Nam công nhận là làng nghề tạc tượng và đồ thờ lớn nhất Việt Nam.

Không chỉ nổi tiếng với việc tạc tượng, các sản phẩm điêu khắc mỹ nghệ tại đây cũng rất đa dạng chủng loại, từ câu đối, hoành phi, án thờ, đồ thờ, hạc, ngựa, kiệu,... Tất cả các sản phẩm đều có rất nhiều màu sắc để khách hàng lựa chọn theo phong cách mới với màu sắc tươi, rực rỡ, lộng lẫy với nhiều màu sắc hoặc phong cách giả cổ màu sắc sẫm, trầm người dân nơi đây đều có thể làm được.

Gỗ được làm tượng được sử dụng là loại gỗ mít.

Hiện nay, cả xã có hơn 4.000 lao động làm nghề thủ công mỹ nghệ thường xuyên, trong đó có đến hơn một nửa là thợ giỏi và nhiều thợ giỏi được tôn vinh, phong danh hiệu nghệ nhân. Dưới bàn tay tài hoa những người thợ làng nghề Sơn Đồng đã cho ra đời nhiều tác phẩm nghệ thuật có độ tinh xảo cao đậm đà bản sắc dân tộc. Thành quả mà những người thợ Sơn Đồng thu được sau bao ngày đêm miệt mài bên xưởng gỗ là tiếng thơm, không chỉ vang danh khắp mọi miền mà còn vang xa đến nhiều quốc gia trên thế giới. Hiện nay, sản phẩm của làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng không chỉ phục vụ đời sống văn hoá tâm linh, tín ngưỡng trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga,... 

Điều đặc biệt ở Sơn Đồng là khách hàng cần đặt làm bất cứ pho tượng thờ nào thì người thợ nơi đây đều làm được ngay mà không cần mẫu sinh kề (mẫu có sẵn). Bên cạnh đó người Sơn Đồng còn tạc những pho tượng truyền thần dựa vào bức ảnh chân dung hoặc toàn thân của khách hàng, từ đó tạc nên bức tượng chất liệu gỗ giống với ảnh chụp. Để làm được những điều đó, người thợ phải có kinh nghiệm, hiểu được các điển tích, tính cách, chức vụ, vị trí của từng pho tượng trong tâm thức để rồi thổi hồn vào các tác phẩm.


Người dân ở Sơn Đồng cho biết, khi bắt tay vào công việc họ luôn có đức tin về cõi thiện, thành kính hướng Phật, hay hiểu xa hơn đó chính là tinh thần trách nhiệm của người làm nghề gìn giữ và phát huy nghề của ông cha. Tuy trong quá trình chế tác có những nét chung, nhưng mỗi người nghệ nhân lại có bí quyết riêng để sản phẩm có những sắc thái độc đáo. Với đôi bàn tay tài hoa, những người thợ làng Sơn Đồng đã làm ra nhiều tác phẩm đòi hỏi độ tinh xảo cao như bức tượng Phật bà nghìn tay nghìn mắt, tượng ông Thiện, ông Ác, tượng La Hán, kiệu bát cống... Trên khắp cả nước, du khách đều có thể bắt gặp các tượng thờ do người thợ Sơn Đồng chế tác.

Với việc kinh tế phát triển, nhu cầu về tâm linh ngày càng lớn nên khối lượng công việc tại các làng nghề cũng rất nhiều, đã mang lại nguồn thu nhập khá cho những người thợ nơi đây. Không chỉ người trong vùng, tại Sơn Đồng còn có rất nhiều người thợ từ nơi khác đến để làm việc và học cách làm tượng, tô tượng, sơn son thếp vàng.

Công đoạn sơn và mài cho tượng.

Có mặt tại làng nghề Sơn Đồng những ngày cuối tháng Ba, khắp các con đường là những xưởng mộc, xưởng sơn rộn ràng tiếng đục, tiếng đẽo và cả tiếng máy móc đang sẻ gỗ. Trong đó, xưởng mộc của anh Nguyễn Hữu Thông là một người trẻ tuổi trong làng nhưng đã có rất nhiều năm kinh nghiệm với nghề tạc tượng. Năm nay 28 tuổi, anh Thông chia sẻ: “Từ năm 12 tuổi, tôi đã sáng đi học và chiều về lại vác chày vác đục để đi học nghề trong làng. Sau một thời gian đi làm thuê, hiện tại tôi cũng đã có riêng cho mình một xưởng mộc tự nhận việc để về làm”. 

Khi được hỏi về giai đoạn đáng nhớ nhất trong quá trình theo nghề mộc, anh Nguyễn Hữu Thông cho biết đó là những ngày đầu tiên học nghề, rất chán nản đến mức từng muốn bỏ nghề. Nhưng nhờ sự tận tâm chỉ bảo và động viên của các nghệ nhân trực tiếp cầm tay chỉ việc, tình yêu nghề và quyết tâm gắn bó đã rực lên trong lòng anh từ đó đến nay.

Hiện nay tại làng nghề Sơn Đồng, rất nhiều xưởng mộc đã đầu tư những công nghệ mới như máy cắt tự động, giúp tăng năng suất lao động. Chia sẻ với phóng viên VOV.VN, bác Long - thợ tạc tượng lâu năm ở làng Sơn Đồng cho biết: “Công việc đòi hỏi người thợ thật khéo léo và tỉ mỉ, mới có thể phác thảo phần thô ban đầu của một bức tượng. Tôi cũng rất tự hào khi còn nhiều thế hệ vẫn cố gắng nuôi dưỡng nghề này. Thật sự nghề tạc tượng đòi hỏi rất cao ở người thợ, chỉ riêng khoản đục đẽo thôi cũng đã ngốn của người thợ mất 10 ngày rồi. Bây giờ dù có máy móc cũng mới chỉ hỗ trợ được đến khoảng 50% số lượng công việc. Đặc thù của công việc tạc tượng là tạo diện trên khuôn mặt, mỗi pho tượng khách hàng đặt lại có một diện khác nhau. Để đạt được độ nét và tinh xảo vẫn phải có bàn tay khéo léo, tỉ mẩn của người thợ”.


Nghề quý trong tay người thợ Sơn Đồng còn lan tỏa đi khắp vùng miền, góp phần phục dựng và bảo tồn rất nhiều công trình văn hóa tâm linh. Trong những năm gần đây, nhiều lớp thanh niên của làng nghề Sơn Đồng đã đến với các thành phố lớn để mở xưởng, mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm điêu khắc, mỹ nghệ của làng nghề. Qua đó giúp cho thương hiệu đồ thờ, tượng gỗ, sản phẩm mỹ nghệ của Sơn Đồng vốn đã nổi tiếng nay còn được nhiều người biết đến hơn./.

  • Bài và ảnh: Thanh Giang/ Báo ảnh Việt Nam  

Top