SignUs – Hành trình kết nối không lời
Từ ý tưởng "bất chợt" trong khi học, nhóm sinh viên ngành Truyền thông Đa phương tiện Đại học FPT đã biến cảm hứng thành “SignUs” – một hành trình nhân văn đầy cảm xúc mang thông điệp "Một ký hiệu, triệu kết nối". Dự án này không chỉ nâng cao nhận thức về ngôn ngữ ký hiệu mà còn tạo ra cây cầu vững chắc, kết nối người nghe với cộng đồng người Điếc.
Nguyễn Thục Uyên – sinh viên năm cuối Đại học FPT cũng là một trong những người khởi xướng dự án cho biết: “Ban đầu, chúng em chỉ định làm một đề tài cho môn học. Tình cờ nảy ra ý tưởng về ngôn ngữ ký hiệu, dù chẳng ai trong nhóm có kiến thức. Chính sự tò mò đã thôi thúc chúng em vừa học, vừa tìm hiểu”.
Với tinh thần tự học, tự chạm, 5 thành viên “SignUs” đã bắt đầu hành trình bằng việc đăng ký các khóa học ngôn ngữ ký hiệu tại một trung tâm đào tạo ở Hà Nội. Tại đây, họ may mắn gặp cô Thảo – một giáo viên người điếc, người đã truyền cảm hứng và mở cánh cửa kết nối với thầy Thái Anh – Chủ tịch Chi hội người điếc. Từ đó, “SignUs” vượt ra khỏi khuôn khổ dự án học tập, chính thức trở thành một dự án xã hội hướng tới cộng đồng.
Hoạt động đầu tiên của “SignUs” là workshop "Chạm hình" – chương trình đào tạo mang đến cho người học với nhiều trải nghiệm độc đáo. Với sự hỗ trợ từ các thầy cô trung tâm đào tạo ngôn ngữ ký hiệu, 70 người tham gia lần đầu tiên được làm quen với ngôn ngữ của đôi tay, ánh mắt và cảm xúc.
Nếu "Chạm hình" là bước khởi động, thì workshop "Cảm hình" chính là nơi để kết nối sâu sắc hơn giữa người nghe và người điếc thông qua ngôn ngữ ký hiệu. Tại đây, một talkshow đặc biệt đã được tổ chức với sự góp mặt của hai diễn giả – một người điếc và một người nghe. Buổi trò chuyện đã tạo nên không gian giao thoa giữa hai thế giới, nơi người nghe học cách kiên nhẫn và lắng nghe bằng mắt, còn người điếc cảm nhận được sự trân trọng từ cộng đồng.
Không chỉ dừng lại ở đó, dự án còn tổ chức triển lãm tranh của trẻ em điếc từ lớp học C5 ngay trong không gian workshop "Cảm hình". Mỗi bức vẽ mở ra một thế giới nội tâm phong phú, nơi lời nói được thể hiện qua hình khối, đường nét và màu sắc. Đặc biệt, khu triển lãm tương tác đã tạo cơ hội cho mọi người, bất kể là người nghe hay người điếc, cùng nhau vẽ tranh và viết tên bằng ngôn ngữ ký hiệu, góp phần tạo nên một bức tranh kết nối cộng đồng sống động, xóa bỏ mọi ranh giới.
Một điểm nhấn trong hoạt động tại workshop “Cảm hình” là sự tham gia của Thành Nguyễn- người sáng lập Thanh Academy. Cũng là người điếc và đã gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng Thành Nguyễn đã kiên trì học thành nghề cắt tóc. Đến nay anh đã có 2 cơ sở tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để cho các học viên là người điếc vừa đến học nghề, vừa đến học ngôn ngữ ký hiệu.
Anh Thành Nguyễn chia sẻ: "Tôi từng gặp không ít trở ngại khi học cắt tóc chỉ vì tôi không nghe được. Nhưng tôi đã kiên trì. Giờ đây, tôi có hai cơ sở đào tạo, đã giúp 135 học viên người điếc tốt nghiệp và sống tự lập. Với mong muốn lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa, lần này tôi mang đến triển lãm những sản phẩm do chính người điếc làm như dây chuyền, vòng tay... để mọi người hiểu hơn về năng lực nghề nghiệp và giá trị lao động của cộng đồng người điếc".
Đến nay, “SignUs” đã phát triển kênh TikTok “daitruyenhinh” – một nền tảng hiệu quả để chia sẻ các video ngôn ngữ ký hiệu ngắn gọn, sinh động và dễ hiểu. Kênh này đã trở thành nguồn động viên lớn, giúp cộng đồng người Điếc cảm nhận được sự quan tâm, mong muốn thấu hiểu và đồng hành từ thế hệ trẻ.
Nguyễn Thục Uyên cũng cho biết những kế hoạch đầy hứa hẹn của dự án. Đầu tháng 7/2025, “SignUs” sẽ sản xuất và ra mắt MV âm nhạc do chính các thành viên sáng tác. MV này sẽ lồng ghép ngôn ngữ ký hiệu, thể hiện tinh thần hòa nhập giữa hai thế giới "nghe" và "cảm". Tiếp đó, dự kiến cuối tháng 7/2025, website chính thức của dự án sẽ chính thức đi vào hoạt động. Nền tảng này sẽ cung cấp thông tin cơ bản về cộng đồng người Điếc, cung cấp các cơ hội nghề nghiệp, tài nguyên học ngôn ngữ ký hiệu, và là nơi kết nối hiệu quả giữa người điếc và người nghe.
Chạm vào ngôn ngữ ký hiệu là chạm vào sự thấu hiểu sâu sắc. Thông điệp mà các bạn trẻ của “SignUs” muốn lan tỏa: ngôn ngữ không nhất thiết phải có âm thanh, mà đôi khi, sự kết nối mạnh mẽ nhất lại đến từ ánh mắt biết lắng nghe và đôi tay biết nói./.
Bài: Ngân Hà- Ảnh: Khánh Long/Báo ảnh Việt Nam