Sắc màu lễ hội Katê của đồng bào Chăm ở Bình Thuận

Sắc màu lễ hội Katê của đồng bào Chăm ở Bình Thuận

Vừa qua, đồng bào người Chăm ở các địa phương Bình Thuận, Ninh Thuận tổ chức lễ Katê trong không khí vui tươi, phấn khởi với nhiều chương trình lễ và hội đặc trưng truyền thống của cộng đồng. Đối với đồng bào Chăm ở Bình Thuận thì niềm vui càng được nhân lên khi trong dịp Lễ này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố quyết định đưa Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Katê là một lễ hội lớn trong năm của người Chăm theo đạo Bàlamôn diễn ra vào đầu tháng 7 lịch Chăm (nhằm vào tháng 10 Dương lịch), năm nay lễ Katê được tổ chức tại khu di tích tháp Pô Sah Inư (phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết). Rất đông đồng bào Chăm sinh sống tại Bình Thuận tham gia lễ hội cũng như nhiều du khách gần xa đến tháp Pô Sah Inư tham quan và chia vui với cộng đồng Chăm nhân sự kiện lễ hội thiêng liêng này.

Bà Thông Thị Nhảy (71 tuổi, ở thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc) cho biết năm nào cũng vậy, cứ đến dịp tết Katê thì bà và người thân, bạn bè trong xóm đều đến khu tháp này tham gia sinh hoạt lễ hội kéo dài suốt cả hai ngày. Trong bóng mát dưới chân tháp Pô Sah Inư, bà Nhảy cùng bạn bè tổ chức nấu các loại bánh truyền thống như bánh gan tay, bánh đậu xanh, bánh tét, bánh gừng, bánh khoai… để dâng cúng tại đền tháp. Hình ảnh đồng bào Chăm trong trang phục truyền thống, đầu đội mâm đựng lễ vật cúng đi dưới đồi lên khu đền tháp Pô Sah Inư đã trở nên quen thuộc và đặc trưng trong dịp lễ Katê!

Thực hiện nghi thức mở cửa tháp Pô Sah Inư, trước khi rước y trang của nữ thần vào bên trong. Ảnh: Hữu Thành

Một nghi thức chuẩn bị đồ lễ trước giờ cúng trong tháp Pô Sah Inư tại Lễ hội Katê. Ảnh: Hoàng Hà

Trong hai ngày diễn ra lễ hội, nhiều nghi thức lễ đặc trưng được thực hiện tại tháp Pô Sah Inư như: Lễ mở cửa tháp, cúng đại lễ, thỉnh rước kiệu trang phục Nữ thần Pô Sah Inư, tắm bệ thờ Linga- Yoni, mặc trang phục, cúng mừng Katê trước tháp chính… với ý nghĩa thiêng liêng tạ ơn các thần linh đã giúp mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, để tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, tổ tiên ông bà. Cộng đồng người Chăm đến tháp hành lễ cầu mong sức khỏe, sự bình an, gia đình được tổ tiên thần linh phù hộ, con cháu làm ăn phát đạt gặp nhiều may mắn.

 
Nhiều tiết mục nghệ thuật truyền thống diễn ra trong phần hội như: Biểu diễn nhạc cụ truyền thống, múa hát dân ca Chăm, các thanh niên thì tham gia thi thổi kèn Saranai, thi biểu diễn trang phục truyền thống, thi gói bánh, giã gạo, trang trí và trưng bày lễ vật… diễn ra rất sôi nổi và hấp dẫn người xem. Các điệu múa, làn điệu dân ca cộng hưởng với tiếng trống Gi Năng, trống Paranưng và kèn Saranai réo rắc làm vui nhộn cả một vùng đồi tháp. Ngoài ra, nhiều hoạt động giới thiệu văn hóa đồng bào Chăm như trình diễn nghề làm gốm, dệt thổ cẩm, trưng bày các đặc sản địa phương… tất cả đã tạo nên một lễ hội Katê 2022 sôi nổi, đầy đủ sắc màu và ý nghĩa. Lễ hội Katê không chỉ đáp ứng nhu cầu tôn giáo của đồng bào Chăm mà từ lâu đã trở thành một nét đẹp văn hóa, một sự kiện du lịch độc đáo của địa phương thu hút khách tham quan, du lịch và tìm hiểu, khám phá vẻ đẹp văn hóa bản địa.
 

 
Thông Thái Bảo (sinh viên trường Cao đẳng nghề tỉnh Bình Thuận) tỏ ra rất am hiểu các phong tục lễ hội của đồng bào mình, khi vừa tham gia chụp ảnh, quay video về lễ hội vừa giải thích cho chúng tôi hiểu ý nghĩa trong các nghi thức được thực hiện trong dịp lễ Katê. “Em rất yêu thích và khám phá văn hóa, lịch sử, đặc biệt là văn hóa đồng bào Chăm; những dịp lễ hội như thế này là cơ hội để mọi người được gặp gỡ giao lưu, thể hiện tình cảm với người thân, cũng là dịp để vui chơi, giải trí sau một năm học tập, lao động miệt mài” – Thái Bảo cho biết./.
Lễ hội Katê của đồng bào Chăm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp vào 15 lễ hội lớn nhất ở Việt Nam; Bộ VHTT&DL đã có quyết định số 776/QĐ-BVHTTDL đưa Lễ hội truyền thống Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận công bố trong dịp lễ hội Katê 2022 vừa qua.

Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh: Nguyễn Thắng, Hữu Thành, Hoàng Hà, Lê Minh


Top