Quyết liệt xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển

Quyết liệt xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển

Sau khi làm việc với hệ thống thương vụ Việt Nam tại 176 thị trường nước ngoài nhằm tìm giải pháp thúc đẩy xúc tiến thương mại năm 2022 và định hướng đến năm 2025, ngày 19/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước.

Theo Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đến năm 2030 của Ban Bí thư, trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác ngoại giao kinh tế cần xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, lấy lợi ích quốc gia - dân tộc, hiệu quả thực chất làm tiêu chí hàng đầu trong triển khai hoạt động ngoại giao kinh tế. 

Trong Báo cáo công tác ngoại giao kinh tế năm 2022, Bộ Ngoại giao nêu 6 trọng tâm cho công tác ngoại giao kinh tế của Bộ trong thời gian tới, bao gồm quán triệt Chỉ thị 15-CT/TW của Ban Bí thư, từ đó định hướng trọng tâm và tăng hiệu quả phối hợp triển khai công tác ngoại giao kinh tế, tiếp tục phát huy thế mạnh của ngoại giao trong nghiên cứu, dự báo, hỗ trợ thiết thực cho công tác điều hành của Chính phủ; tận dụng các hoạt động đối ngoại, đặc biệt là đối ngoại cấp cao để thúc đẩy hợp tác kinh tế, tháo gỡ các vướng mắc; thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới và đẩy mạnh xúc tiến, hỗ trợ các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, địa phương, doanh nghiệp trong thời gian tới.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo cần tận dụng và phát huy mọi cơ hội và thuận lợi để phát triển đất nước, tiếp tục thúc đẩy 3 động lực của nền kinh tế gồm tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu; tiến tới xác lập vị trí cao hơn của Việt Nam trong chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu.

Thủ tướng nêu rõ quan điểm: Giữ ổn định trong sự bất định; giữ chủ động trong thế bị động; giữ sự kiên định, nhất quán trong bối cảnh chuyển đổi và xáo trộn; thiết kế công cụ kiểm soát rủi ro trong nền kinh tế thị trường với đặc tính là có khủng hoảng, suy thoái; xây dựng phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, phát triển kinh tế quốc tế.

Thời gian tới, ngành ngoại giao cần hết sức tranh thủ, phát huy cao nhất thế và lực mới của đất nước; chủ động, tích cực trong việc kiến tạo cục diện có lợi cho môi trường hòa bình, an ninh, phát triển của đất nước. Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục triển khai hiệu quả công tác thiết lập quan hệ với các nước sở tại, truyền tải thông điệp, hình ảnh Việt Nam với những nền tảng quan trọng với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Đồng thời đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, thu hút du lịch, trong đó chú trọng việc tạo điều kiện về thị thực cho khách quốc tế, cùng với đó cần chú trọng và triển khai tốt công tác bảo hộ công dân.

Ngành ngoại giao cần đẩy mạnh đổi mới tư duy, mạnh dạn, đột phá, sáng tạo trong công tác ngoại giao kinh tế, trên cơ sở giữ vững nguyên tắc, chắc chắn, thận trọng, kiên định mục tiêu và chân thành, khiêm tốn. Trong đó tập trung thúc đẩy đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm; phát huy tiềm năng tại các thị trường đối tác FTA; mở rộng thị trường sang khu vực Đông Âu, Trung Đông, Nam Mỹ, Nam Á, châu Phi, Australia; đồng thời tăng cường đa dạng hóa các chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, tăng cường tìm kiếm đối tác, kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước; hướng đến thu hút nguồn lực bên ngoài cho chuyển đổi xanh, phát triển bền vững; thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông, năng lượng, chuyển đổi số, đô thị, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng y tế, giáo dục… Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài; chủ động cảnh báo, phòng ngừa và xử lý các rủi ro, tranh chấp.

Với sự chung sức, đồng lòng của ngành ngoại giao, các cơ quan đại diện ở nước ngoài, các ban, bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp; thực hiện hiệu quả phương châm ngoại giao “tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng, tôn trọng, hiệu quả, cùng phát triển”, Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu mới, quan trọng hơn, tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tất cả vì sự phồn vinh, thịnh vượng của đất nước, vì cuộc sống hạnh phúc, ấm no của nhân dân./.

Bài: VNP tổng hợp - Ảnh: TTXVN


Top