Quan hệ Việt Nam - Israel phát triển tốt đẹp và còn nhiều tiềm năng

Quan hệ Việt Nam - Israel phát triển tốt đẹp và còn nhiều tiềm năng

Nhìn lại chặng đường 30 năm phát triển quan hệ ngoại giao chính thức (12/7/1993 – 12/7/2023) giữa hai nước Việt Nam và Israel, với sự tôn trọng, tin cậy lẫn nhau, hai nước đã đạt được những thành tựu hợp tác hết sức đáng tự hào về chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư..., đưa Việt Nam và Israel trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của nhau tại các khu vực Đông Nam Á và Trung Đông. Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại Tel Aviv đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ nước CHXHCN Việt Nam tại Nhà nước Israel, ông Lý Đức Trung, về thành quả của quan hệ song phương trong những thập niên qua và triển vọng hợp tác thời gian tới.

Nhắc tới những nét chính trong quá trình thiết lập và phát triển quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Israel trong 30 năm qua và đặc thù của quan hệ song phương, Đại sứ Lý Đức Trung cho biết, quan hệ chính trị ngoại giao chính thức giữa các quốc gia được xây dựng trên nền tảng những mối dây liên hệ xuyên suốt chiều dài lịch sử của các dân tộc và do nhân dân các dân tộc đó qua nhiều thế hệ liên tục vun đắp. Quan hệ giữa Việt Nam và Israel cũng được ươm mầm trên mảnh đất đó. Có những câu chuyện xoay quanh quá trình hình thành và phát triển quan hệ giữa nhân dân Việt Nam với người Do Thái nói chung và Israel nói riêng một phần được liên hệ với những người Do Thái Pháp đã đến Việt Nam làm ăn, buôn bán và tham quan vào những năm cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Nền móng cho mối quan hệ giữa Việt Nam và Israel đã được xây dựng từ năm 1946 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng đầu tiên của Israel David Ben Gurion đã gặp gỡ tại Paris (Pháp).
Vào ngày 12/7/1993, Việt Nam và Israel đã ký văn kiện chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Trên chặng đường 30 năm qua, quan hệ giữa Việt Nam và Israel đã trải qua những mốc phát triển quan trọng.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính hội kiến Chủ tịch Đảng Likud, Thủ tướng Nhà nước Israel Benjamin Netanyahu, chiều 25/7/2019, trong chuyến thăm, làm việc tại Israel. Ảnh: Công Đồng - TTXVN

Năm 1993, Israel đặt Đại sứ quán tại Hà Nội và năm 2009, Việt Nam mở Đại sứ quán tại Tel Aviv. Điều này không chỉ đơn thuần đánh dấu bước chuyển biến mạnh mẽ trong quan hệ chính trị mà còn có ý nghĩa to lớn trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực khác. Thời gian qua đã có các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước, góp phần thúc đẩy quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực. Hiện nay, hai bên cũng đang tích cực chuẩn bị cho chuyến thăm Israel của lãnh đạo cấp cao Việt Nam vào đúng dịp hai nước kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.  

Lễ ký kết hiệp định giữa Chính phủ 2 nước Việt Nam và Israel về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và tài sản (Hà Nội, 4/8/2009). Ảnh Đình Huệ - TTXVN

Trong suốt chặng đường 30 năm phát triển, hai bên đã ký kết nhiều hiệp định và thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực khác nhau, trong đó bao gồm Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao (năm 2015), Hiệp định vận chuyển hàng không (năm 2020)... và đang hướng tới ký kết Hiệp định Thương mại Tự do song phương (VIFTA). Ủy ban liên chính phủ Việt Nam và Israel đã tổ chức hai kỳ họp vào năm 2014 và 2017. Dự kiến kỳ họp lần thứ ba sẽ được tổ chức trong năm nay. Tham vấn chính trị giữa hai nước cũng đã khởi động lại vào năm 2022 sau 10 năm tạm thời ngắt quãng.
Về kinh tế, Israel hiện đứng thứ 3 trong danh sách thị trường xuất khẩu của Việt Nam tại khu vực Tây Á và là đối tác thương mại lớn thứ năm của Việt Nam. Trong năm 2018, trao đổi thương mại hai nước đạt 1,2 tỷ USD, và đến năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Israel đạt 2,2 tỷ USD.

Đối thoại Chính sách Quốc phòng Việt Nam - Israel lần thứ 2 (Hà Nội, 2/6/2022). Ảnh: TTXVN phát

Trong năm 2022, quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Israel có những động lực phát triển mới khi Tập đoàn CT Group khai trương Văn phòng đại diện tại Tel Aviv để kết nối, thúc đẩy hợp tác với thị trường đổi mới sáng tạo và công nghệ cao của Israel. Tập đoàn Vingroup cũng đầu tư khoảng 40 triệu USD vào các dự án phát triển pin sạc nhanh cho ô tô điện và công nghệ ô tô tự lái cũng như chính thức chỉ định đại lý phân phối ô tô VinFast tại thị trường Israel.

Năm 2023 có ý nghĩa trọng đại khi sau 7 năm, trải qua 12 vòng, Việt Nam và Israel đã chính thức kết thúc đàm phán và chuẩn bị ký kết VIFTA – FTA đầu tiên của Việt Nam với khu vực Trung Đông. Đây là một dấu mốc quan trọng góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo đột phá cho hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới. Đây cũng điều kiện để hai bên gia tăng kim ngạch thương mại song phương trong năm 2023 lên khoảng 10-15% và hướng tới mục tiêu 3 tỷ USD ngay trong thời gian tiếp theo.

Tổng Giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang tiếp Ngài Yaron Mayer, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhà nước Israel tại Việt Nam (Hà Nội, 3/11/2022). Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Bên cạnh đó, các hoạt động hợp tác trên các lĩnh vực khoa học công nghệ, nông nghiệp thông minh, giao lưu nhân dân cũng diễn ra hết sức sôi động, góp phần tích cực vào việc củng cố, phát triển trong quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước, thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, mang tới cơ hội học tập và tăng tần suất đi lại du lịch cho nhân dân hai nước.

Theo Đại sứ Lý Đức Trung, mặc dù Israel và Việt Nam có bề dày lịch sử, hai nền văn hoá và ở hai khu vực địa lý cách biệt, nhưng như cựu Đại sứ Israel tại Việt Nam Amkian Levy từng nhận định, hai nước lại chia sẻ những giá trị về gia đình, về tình bạn và về ý chí mạnh mẽ để hiểu biết lẫn nhau, cùng cam kết mang lại sự thịnh vượng cho người dân. Đây là những thuận lợi căn bản để hai nước tiếp tục cùng tiến về phía trước.

Về giao lưu nhân dân, lưu lượng khách Israel tiềm năng đến Việt Nam là rất lớn. Trước đại dịch COVID-19, có khoảng 10 triệu lượt người Israel đi du lịch nước ngoài và sau đại dịch, khách du lịch Israel đến các thị trường đã phục hồi mạnh mẽ với khoảng 8,5 triệu lượt người Israel du lịch nước ngoài trong năm 2022. Người dân Israel có thói quen đi du lịch vào các kỳ nghỉ lễ lớn, đặc biệt có thiện cảm và ngày càng quan tâm đến Việt Nam như một điểm đến mới, hấp dẫn hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á. Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng nhận định nhu cầu du lịch của thị trường Trung Đông được dự báo tăng nhanh trong thời gian tới, dự kiến đạt 165 tỷ USD vào năm 2025 với các thị trường gửi khách hàng đầu là Saudi Arabia, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel.

Hướng đến trong 30 năm tiếp theo của quan hệ song phương, khái niệm về một mối quan hệ đối tác chiến lược trong một lĩnh vực công nghệ cụ thể giữa hai nước có thể sớm được định hình và phát triển, hứa hẹn sẽ mang đến những tín hiệu tích cực trong quan hệ Việt Nam- Israel./.

Bài và ảnh: Báo ảnh Việt Nam/ TTXVN


Top