Phước Tích - ngôi làng cổ đẹp nhất xứ Huế

Phước Tích - ngôi làng cổ đẹp nhất xứ Huế

Làng cổ Phước Tích nằm bên bờ sông Ô Lâu hiền hòa, thơ mộng. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Theo sử sách ghi lại, làng Phước Tích được thành lập từ năm 1470 dưới thời vua Lê Thánh Tông, có diện tích khoảng 49 ha. Theo “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn, lúc đầu làng có tên gọi là Phúc Giang với ý chỉ ngôi làng ở gần vùng sông nước nhiều phúc lộc. Đến thời Tây Sơn, Phúc Giang được đổi thành Hoàng Giang để nhớ đến dòng họ khai canh lập làng (Hoàng là tên dòng họ khai canh, Giang là vùng gần với sông nước). Đến đời Gia Long, làng được đổi tên thành Phước Tích hàm ý tích lũy phúc đức cho con cháu muôn đời sau, và tên ấy được giữ nguyên cho đến tận ngày nay. Như vậy, tính cho đến nay, làng Phước Tích đã có tuổi đời hơn 550 năm. 

Khung cảnh bình yên, bốn mùa xanh mát của làng cổ Phước Tích. Ảnh: Thanh Hòa/báo ảnh Việt Nam 

Phước Tích là một ngôi làng cổ điển hình của người Việt ở miền Trung. Trải qua hơn 550 năm tồn tại, vượt qua sự tàn phá của thời gian, mưa gió và chiến tranh, làng Phước Tích vẫn giữ được gần như nguyên vẹn vẻ đẹp thuở ban đầu với khung cảnh làng quê đặc trưng “cây đa, bến nước, sân đình” bình yên, thơ mộng. 

PGS.TS Nguyễn Văn Mạnh, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa miền Trung, từng nhận xét: “Rất hiếm có làng nào ở miền Trung bị chiến tranh bom đạn cày xới cả một thời gian dài nhưng lại giữ được nét cổ kính về các công trình kiến trúc nhà cửa, đền miếu, cây cối như ngôi làng Phước Tích.”. 

Phước Tích hiện có khoảng 30 ngôi nhà rường cổ, trong đó có 10 ngôi nhà có tuổi đời từ 100 đến 300 năm. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Làng cổ Phước Tích có cảnh quan không gian và kiến trúc mang đậm tính điển hình của kiểu làng quê vùng Bắc Trung Bộ. Đó là những công trình kiến trúc ở Phước Tích không bị bao bọc kín bởi những hàng tường gạch bao quanh như kiểu làng quê miền Bắc, mà được hòa mình vào khung cảnh vườn tược thiên nhiên thơ mộng. Các ngôi nhà nằm giữa những khu vườn lớn rợp bóng cây trái xanh tươi bốn mùa. Xung quanh các ngôi nhà là những hàng bờ rào rồng bằng cây chè tàu được cắt xén gọn gàng, ngay hàng thẳng lối. Cạnh làng có con sông Ô Lâu hiền hòa với những bến nước, gốc đa mang đậm cảnh sắc thôn quê. Các con đường làng uốn lượn dưới bóng những hàng cây cao hoặc các rặng tre che bóng mát. 

Nhìn một cách tổng thể thì cấu trúc không gian làng Phước Tích mang tính mở với những khu nhà vườn nằm kề bên nhau tuy có sự phân cách rạch ròi về ranh giới nhưng không đóng kín nhờ đặc tính tự nhiên của vườn tược và không gian xanh.

Trải qua hơn 550 năm, làng vẫn còn nhiều di tích như đình làng, nhà thờ họ, các miếu thờ thần, bến sông cổ... Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Đặc biệt, làng Phước Tích được xem như một bảo tàng sống về di sản nhà vườn của xứ Huế. Nhà vườn cổ ở Phước Tích là một quần thể không gian sống mang đậm chất văn hóa và triết lí sống của người Huế. Đó là vẻ đẹp sang trọng, quý phái, cởi mở, gần gũi với thiên nhiên nhưng cũng có sự kín đáo, riêng tư của gia chủ. Trong các không gian nhà vườn ấy có những ngôi nhà rường được xây dựng bề thế giữa một khu vườn rộng lớn có hệ thống cây xanh, bình phong, non bộ, bể cạn, đường đi lối lại… được bố trí hài hòa theo luật phong thủy hoặc phong cách thẩm mĩ, quan niệm sống của gia chủ. 

Theo nhận xét của KTS Hoàng Đạo Kính, cấu trúc và tổ chức không gian làng Phước Tích có thể được coi là điển hình cho mô hình cư trú nơi thôn quê của người Việt ở vùng Bắc Trung Bộ. Đó là cấu trúc mở với những căn nhà trong vườn nên thường gọi là nhà vườn. Ở Phước Tích, kiến trúc tuy cổ và cũ song cảnh quan và vườn tược bao quanh thì lại rất trẻ và tràn đầy sức sống.

Các bạn trẻ tham gia chương trình làm phim quảng bá về làng cổ Phước Tích. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Nhà rường ở Phước Tích đa số là loại nhà rường ba gian hai chái, được làm bằng hệ thống rường cột gỗ vững chắc, xung quanh tường xây bằng gạch, mái lợp ngói liệt; hệ thống cột, kèo, liên ba, đố bản làm bằng gỗ mít hoặc kiền kiền được chạm trổ các mô típ hoa văn rất tinh xảo. Đây là loại nhà truyền thống nổi tiếng của xứ Huế. Cho đến nay cả làng vẫn còn lưu giữ được gần 30 ngôi nhà rường cổ, trong đó có 10 ngôi nhà có giá trị đặc biệt với tuổi đời từ 100 đến 300 năm. 

Kiến trúc chính của một ngôi nhà rường thường có gian chính thể hiện cho bộ mặt của gia chủ, đây là nơi thờ phụng tổ tiên nên được chủ nhân trang hoàng, bài trí hết sức công phu, trang trọng so với các gian còn lại. Ở đó ngoài ban thờ, hoành phi, câu đối, tràng kỉ… còn có tranh, tượng có nội dung ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên, đạo hiếu làm người và truyền thống gia tộc... 

Bên cạnh nhà ở của dân là hệ thống nhà thờ họ. Phước Tích hiện có hơn 10 nhà thờ họ cũng được làm theo kiểu nhà rường. Ngoài ra, còn có các công trình kiến trúc tín ngưỡng khá phong phú như: đình làng, chùa, am, miếu cây thị (miếu Bà), miếu Quảng Tế, miếu Liễu Hạnh, miếu Ngũ Hành, miếu Vua, miếu Cô Hồn, miếu ông Cọp, miếu Đôi, Văn Thánh, lò gạch cổ, bến nước cổ...   

Ngoài sự nổi tiếng bởi cảnh quan tươi đẹp, kiến trúc cổ kính, Phước Tích còn có nghề làm gốm nổi tiếng, sản phẩm của làng xưa kia được cung tiến vào cung để làm đồ ngự dụng cho các vua nhà Nguyễn, nổi tiếng nhất là các loại om, nồi, ấm, chén, bát, đĩa bằng đất nung. 

Phước Tích có nghề làm gốm nổi tiếng, thời Nguyễn nhiều sản phẩm gốm của làng được chọn đưa vào cung để làm đồ ngự dụng cho vua. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Với những giá trị đặc biệt về cảnh quan, văn hóa, lịch sử, kiến trúc, năm 2009 làng cổ Phước Tích được công nhận là di tích quốc gia và giờ đang được các cơ quan chức năng tiến hành các bước lập hồ sơ để đề nghị nâng hạng thành di tích quốc gia đặc biệt.

Ngày nay, đến với làng cổ Phước Tích, du khách sẽ được hòa mình vào cảnh quan thiên nhiên tươi xanh trù phú, nếp sống thanh bình, giản dị và thân thiện của người dân, khám phá nghề làm gốm cổ và các lễ hội văn hóa, tín ngưỡng đậm chất làng quê xứ Huế./.

 

  • Bài, ảnh:  Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Top