Phục dựng trang phục người Việt thời Nguyễn

Phục dựng trang phục người Việt thời Nguyễn

 

Triển lãm “Trang phục người Việt thời Nguyễn” diễn ra tại Mu Lala Art Space (Hà Nội), đem đến cho người thưởng thức không gian văn hóa mang nhiều ý nghĩa, đậm đà bản sắc dân tộc. Buổi triển lãm mang đến những sản phẩm phục dựng, thiết kế trang phục người Việt dưới thời Nguyễn của hai thương hiệu Thủy Trung Nguyệt và Đại Nam Chân Ảnh do bạn Nguyễn Thị Quỳnh Nga sáng lập.

Nguyễn Thị Quỳnh Nga chia sẻ: “Tôi không phải là một nhà thiết kế Việt phục, những thứ tôi làm chỉ là đang tìm về quá khứ, khơi gợi lại hình ảnh của các trang phục Việt cổ. Tất nhiên, tôi vẫn gửi gắm trong những sản phẩm phục dựng vài nét cá nhân hóa, chẳng hạn như cách phối màu, lên đồ án hoa văn...”

 

Triển lãm mang đến những sản phẩm đúc kết từ những nghiên cứu cá nhân cũng như hợp tác của Nguyễn Thị Quỳnh Nga về trang phục của người Việt dưới thời Nguyễn. Tại đây, người xem không chỉ được chiêm ngưỡng các sản phẩm được nghiên cứu và quản lý sản xuất của Thủy Trung Nguyệt và Đại Nam Chân Ảnh. Trong đó đáng chú ý là hiện vật áo Nhật Bình của cụ Phan Thị Tiệp, bà là chánh thất của một trong tứ trụ triều đình thời Nguyễn – ông Cao Xuân Dục. Chiếc áo này là lễ phục triều đình ban tặng khi bà được phong làm nhất phẩm phu nhân. Gốc gác của đồ án hoa văn trên áo vốn do các cụ thiết kế rồi đặt dệt ở nước ngoài, sau đó gửi về Việt Nam để thực hiện may mặc. Riêng phần cổ áo, triều đình nhà Nguyễn lệnh cho những người thợ thêu ở miền Bắc gia công và may vào chiếc áo Nhật Bình này.

 

Bên cạnh đó, người xem còn có thể hiểu thêm về những trang phục của các tầng lớp với vai trò khác nhau của thời Nguyễn qua các sản phẩm của Quỳnh Nga Nguyễn đã tìm hiểu và phục dựng kết hợp độc đáo giữa nét văn hóa cổ truyền và cá tính sáng tạo đầy mới lạ. Những chiếc áo được cô thiết kế lại không còn là cổ áo truyền thống được may theo hình tròn mà có cổ áo hiện đại. Đây là một chi tiết thay đổi quan điểm về cái đẹp của người Việt ở những năm 30 thế kỷ trước, khi phương Tây xâm lấn dẫn đến sự giao thoa văn hóa.


Với mong muốn phục dựng những gì cha ông để lại trong khả năng tìm hiểu sát nhất lịch sử giúp du khách tham quan xem được những hình ảnh xưa cũ đã bị thời gian vùi lấp một cách, tại triển lãm Quỳnh Nga còn trưng bày lại một số những cổ vật thời Nguyễn, trong đó chiếc lược, vòng tay và chiếc ô cô phải dày công đi tìm hiểu và sưu tầm mất khá thời gian.

Tham quan tại không gian trưng bày những trang phục người Việt thời Nguyễn, Nguyễn Trà Mi- sinh viên đại học Kinh Tế Quốc Dân (Hà Nội) cho biết: Vài năm trở lại em thấy các anh chị khi chụp kỷ yếu cũng có mặc cổ phục nhưng em chỉ thấy đẹp mà chưa có thời gian tìm hiểu về lịch sử những trang phục này. Không gian trưng bày này giúp em có cái nhìn rõ hơn về trang phục truyền thống trang phục.”./.

  • Bài: Ngân Hà  
  •    Ảnh:Khánh Long
  • Kỹ thuật, đồ họa: Nguyễn Hạnh 


Top