Phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn: Ưu thế của Việt Nam

Phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn: Ưu thế của Việt Nam

Thế giới đang trải qua những tác động cộng hưởng với mức độ và quy mô chưa từng có của ba thảm họa là đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, để lại các hệ lụy to lớn, nhiều mặt, không chỉ hiện nay mà còn với các thế hệ tương lai. Bởi vậy, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu. Hiện Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực phát huy tiềm năng, đẩy mạnh triển khai các kế hoạch, chiến lược nhằm đạt được sự tăng trưởng kinh tế, trong khi vẫn duy trì sự bền vững về môi trường.

Tàu du lịch đưa các thí sinh của Cuộc thi Hoa hậu Du lịch Thế giới 2022 trải nghiệm vùng lòng hồ huyện Quỳnh Nhai (Sơn La).
Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và Quyết định 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Trong suốt chặng đường hơn 10 năm triển khai và thực hiện kinh tế xanh, với sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước cùng với nhận thức của cộng đồng xã hội về tầm quan trọng của kinh tế xanh, cho đến nay nền kinh tế Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc như: Hành vi sản xuất và tiêu dùng có nhiều thay đổi đáng kể và được cải thiện tích cực; ngày càng có nhiều hành động thiết thực đóng góp vào việc phát triển kinh tế xanh; đời sống của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, nhiều khu đô thị nổi lên, đặc biệt là hình thành các vùng nông thôn mới. 

Phát triển du lịch theo xu hướng tăng trưởng xanh và bền vững. Ảnh: TTXVN 

Thời gian qua, để thực hiện phát triển kinh tế xanh, Việt Nam còn luôn nhận được nhiều sự quan tâm giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, cộng đồng trên thế giới; thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nền kinh tế xanh, đặc biệt là phát triển công nghiệp xanh, năng lượng xanh.

Kinh tế xanh là sự kết hợp giữa ba yếu tố kinh tế, môi trường và xã hội, mang tính chất bền vững hướng đến phát triển cuộc sống của cộng đồng xã hội con người, đồng thời, những hoạt động này thân thiện với môi trường.

Trong nền kinh tế xanh, tài nguyên môi trường là yếu tố quan trọng mang tính chất quyết định đến sự phát triển kinh tế, cải thiện chuỗi giá trị, đem lại sự ổn định và thịnh vượng lâu dài. Bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu được xem là vấn đề then chốt của kinh tế xanh. Nhà nước và khu vực tư nhân tập trung ưu tiên đầu tư vào các hoạt động kinh tế, cơ sở hạ tầng, công trình có tác dụng đảm bảo mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm và phát thải carbon; nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng; ngăn ngừa mất đa dạng sinh học và các dịch vụ của hệ sinh thái.

Sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên được xem là vấn đề then chốt của kinh tế xanh. Ảnh: TTXVN

Tuyên bố mạnh mẽ về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại COP26 thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của Việt Nam trong việc giải quyết những thách thức nghiêm trọng của toàn cầu về khí hậu, môi trường, suy giảm của các hệ sinh thái, hướng đến mục tiêu một hành tinh khỏe mạnh; đồng thời tận dụng cơ hội đưa đất nước ta theo con đường “xanh”, hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. 

Kinh tế tuần hoàn cần sự chung tay phối hợp giữa các doanh nghiệp, khách hàng, nhà cung ứng và người tham gia khác trong chuỗi giá trị. Theo Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2021, với nguồn năng lượng mặt trời dồi dào và năng lượng gió phong phú, Việt Nam là nước có tiềm năng chuyển đổi xanh lớn nhất trong khu vực và sẽ là một trung tâm về năng lượng tái tạo tại Đông Nam Á.

Nền kinh tế xanh toàn diện là hướng tới sự phát triển bền vững. Ảnh: TTXVN

Tại Việt Nam, xu hướng phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn xuất hiện chưa lâu, song với lợi thế của nước đi sau, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển một nền kinh tế xanh toàn diện, hướng tới sự phát triển bền vững, đạt mục tiêu hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường. Đây được coi là cơ hội phát triển kinh tế bền vững, mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia, doanh nghiệp và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân./.

Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam xếp thứ 8 trong top 10 quốc gia có đầu tư vào năng lượng tái tạo cao nhất trên thế giới, với tổng vốn đạt 7,4 tỷ USD.

 Bài: VNP    Ảnh: TTXVN và Tư liệu


Top