Phát triển bền vững kinh tế biển đảo

Phát triển bền vững kinh tế biển đảo

Với lợi thế có 3.260 km đường bờ biển cùng gần 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, Việt Nam đề ra mục tiêu trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển và phát triển bền vững.

Hiện nay ở nước ta có 28/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển, trong đó có 125 huyện ven biển và 12 huyện đảo (Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải, Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Hoàng Sa, Lý Sơn, Trường Sa, Phú Quý, Côn Đảo, Kiên Hải, Phú Quốc). Với gần 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản rất phong phú như kim loại hiếm, quặng titan, cát thủy tinh, khoáng sản kim loại như vàng, thiếc….

Trong “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã xác định: “Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”. 

Theo đó, Quy hoạch không gian biển được chia thành 4 khu vực, gồm Vùng biển và ven biển phía Bắc (Quảng Ninh - Ninh Bình): Tiếp tục xây dựng khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển; là cửa ngõ, động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gắn với cảng quốc tế Lạch Huyện; phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc gia kết nối với các trung tâm du lịch quốc tế lớn của khu vực và thế giới.

Vùng biển và ven biển Bắc Trung Bộ, Duyên hải Trung Bộ (Thanh Hoá - Bình Thuận): Phát triển các cảng biển nước sâu trung chuyển quốc tế, cảng biển chuyên dụng gắn với các khu liên hợp công nghiệp, dầu khí, điện, năng lượng tái tạo, công nghiệp sạch; phát triển các trung tâm du lịch lớn; nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, dịch vụ hậu cần và hạ tầng nghề cá.

Vùng biển và ven biển Đông Nam Bộ (Bà Rịa - Vũng Tàu - Thành phố Hồ Chí Minh): Phát triển cảng biển container quốc tế, dịch vụ hậu cần cảng biển, dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải, công nghiệp khai thác, chế biến dầu khí, công nghiệp hỗ trợ và các dịch vụ ngành Dầu khí.

Vùng biển và ven biển Tây Nam Bộ (Tiền Giang - Cà Mau - Kiên Giang): Tập trung xây dựng phát triển Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển mạnh mang tầm quốc tế; phát triển công nghiệp khí, chế biến khí, điện khí, năng lượng tái tạo, nuôi trồng, khai thác hải sản, dịch vụ hậu cần, hạ tầng nghề cá; kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới.

Kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO đã thông qua hồ sơ đề cử, công nhận quần thể Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà (thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng) là Di sản Thiên nhiên Thế giới. Ảnh: TTXVN

Thời gian qua, mặc dù tình hình thế giới biến động rất nhanh, phức tạp, chưa có tiền lệ, đối diện với nhiều khó khăn và thách thức, song kinh tế biển đảo của Việt Nam đã có những bước phát triển, đóng góp ngày càng nhiều vào sự phát triển chung của đất nước. 

Sự gắn kết giữa phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh chặt chẽ hơn ở tất cả các khâu từ quy hoạch đến đầu tư và các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác. Các lực lượng hải quân, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, kiểm ngư được tăng cường về tiềm lực và sức mạnh sẵn sàng chiến đấu. Thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân được giữ vững và ngày càng được củng cố vững chắc”, - ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam nhận định.

Với những định hướng đúng đắn trong mục tiêu và khâu đột phá, sự quyết tâm chính trị, kinh tế biển Việt Nam đã có những bước chuyển mình nhất định, mở ra một thời kỳ mới cho phát triển bền vững kinh tế biển theo mô hình kinh tế biển xanh.

Bài: Báo ảnh Việt Nam tổng hợp         Ảnh: TTXVN


Top