Nuôi cua biển bằng hệ thống nước tuần hoàn ở Hà Nội

Nuôi cua biển bằng hệ thống nước tuần hoàn ở Hà Nội

Nhận thấy tiềm năng của mô hình mô hình nuôi cua biển trong hộp nhựa mang lại kinh tế cao, chị Nguyễn Thị Kim Oanh (thôn 3 Xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì - Hà Nội) đã xây dựng trang trại nuôi cua với quy mô hơn 1000 hộp trên diện tích 300m2.

Với hệ thống nước tuần hoàn, môi trường phát triển của cua được đảm bảo và có  lợi thế không bị ảnh hưởng từ thiên nhiên, thời tiết. Cua thành phẩm đảm bảo sạch vì môi trường sống được kiểm tra liên tục.

Theo các đặc tính sinh học, cấu trúc thịt cua không phải là cấu trúc cơ, do đó dù vận động nhiều hay ít thì độ săn chắc của thịt không bị ảnh hưởng. Chất lượng của thịt cua không phụ thuộc vào không gian vận động của chúng, mà dựa vào thành phần dinh dưỡng trong thức ăn, chất lượng môi trường sống. 

 

Với mô hình tuần hoàn, nhân viên trang trại phải thường xuyên kiểm tra sức khoẻ, khả năng ăn uống của cua để kịp thời điều chỉnh hệ thống đảm bảo môi trường sống. Tại trang trại, cua được cho ăn ốc bươu vàng, cá, động vật nhuyễn thể 2 mảnh... thức ăn rất dễ kiếm với giá thành rẻ.

Ưu điểm nổi bật của mô hình này là không cần nhiều lượng nước đầu vào nhờ nguyên lý tuần hoàn. Cụ thể, thức ăn thừa của cua được lọc thô còn chất cặn bẩn thải ra trong quá trình nuôi cua được đưa vào trong môi trường yếm khí để phân hủy. Chất thải sau đó đi qua màng lọc, được bổ sung thêm chất khoáng cần thiết và tiếp tục đưa lên hệ thống. Nhờ vậy, nguồn nước trong mô hình được tái sử dụng tới 99,5%.

 

Chủ cơ sở chia sẻ, giai đoạn đầu khi nuôi cua, giống cua Cà Mau được nhập về đã xảy ra tình trạng chết rất nhiều, cao điểm có giai đoạn cua chết đồng loạt đến 50%. Sau khi tìm hiểu và nghiên cứu, chủ cơ sở đã tìm ra nguyên nhân chủ yếu do sự chênh lệch thời tiết, khác biệt môi trường sống, giống cua Cà Mau khi chuyển ra Hà Nội gặp thời tiết lạnh nên sức khỏe yếu, dễ dẫn đến chết hàng loạt.

Để khắc phục tình trạng cua chết vì môi trường sống thay đổi, quản lý trang trại thực hiện kiểm tra chất lượng nguồn nước cùng nhiệt độ. Nhân viên trang trại phải thường xuyên kiểm tra mẫu nước nhằm điều chỉnh môi trường nước phù hợp để cua phát triển. Công việc này được duy trì thường xuyên đảm bảo hệ thống tuần hoàn hoạt động tốt.

Chi phí đầu tư nhà xưởng giai đoạn ban đầu vào khoảng trên 1 tỷ đồng, điều quan trọng đầu tiên khi nuôi cua hệ thống nước tuần hoàn chính là nguồn nước biển. Nước biển được mua trực tiếp ở Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) với giá từ 500.000 – 600.000 đồng/1m3. Cơ sở sử dụng 30m3 nước biển, lượng hao hụt khoảng 5% mỗi tháng có thể bổ sung bằng nước ngọt, nếu vi sinh hoạt động tốt và theo dõi đảm bảo sẽ duy trì được 1 năm đến 1,5 năm mới phải thay nước mới.

Được biết cách nuôi này tiết kiệm nước, chỉ cần dùng các hộp nhựa được xếp thành giàn để tiết kiệm không gian nuôi, Trong đó, bộ phận chính là hệ thống ống nước và các thiết bị đo môi trường.

 

Theo chủ trang trại nuôi cua, trong hệ thống tuần hoàn thì hạt kaldnes (có tác dụng như san hô) đóng vai trò vô cùng quan trọng, những hạt này là nơi cho vi sinh trú ngụ và xử lý chất thải của cua, đồng thời thông qua việc lọc đánh sủi oxy như sóng đánh ngoài biển, tạo môi trường giống ngoài thiên nhiên để cua phát triển.

Hiện nay, mô hình nuôi cua đã mang lại hiệu quả kinh tế tốt, cụ thể trung bình mỗi tháng trại cua xuất ra 300 - 400 kg cua cốm và cua lột (hơn 1000 hộp) đến các siêu thị thực phẩm sạch tại Hà Nội và các khách lẻ cho thu nhập từ 240 - 360 triệu đồng. Ngoài xuất bán cua thương phẩm, các cơ sở còn triển khai thêm dịch vụ câu cua giải trí hướng tới thị trường trải nghiệm cho các gia đình. Chi phí trải nghiệm câu cua giá 50.000 đồng vé vào cửa, 200.000 đồng cần câu và mồi câu trong 1 tiếng. Du khách câu được bao nhiêu con sẽ được mang về, đối với khách hàng không câu được chú cua nào sẽ được cơ sở tặng 2 con./.

  • Bài và ảnh:  Công Đạt/Báo ảnh Việt Nam
  •  

 

 

 


Top