Nỗ lực khắc phục sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long

Nỗ lực khắc phục sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long

Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, mất rừng ngập mặn ven biển tại vùng đồng bằng sông Cửu Long đang diễn ra ngày càng nhanh và nghiêm trọng hơn, tác động trực tiếp đến sản xuất, đời sống người dân nơi đây. Để kiểm soát, giảm thiệt hại do sạt lở đất, lũ quét, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương cần bảo đảm an toàn cho người dân và cơ sở hạ tầng quan trọng, đồng thời chủ động xây dựng các công trình phòng, chống sạt lở mang tính căn cơ, bài bản, bền vững.

Là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, phát triển bền vững, nhưng Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với nhiều thách thức như: tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; tình trạng sụt lún, hạ thấp nền đất; vấn đề xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường, tình trạng ngập úng khi triều cường xảy ra ở nhiều đô thị…

Tuyến đê kè bảo vệ khu dân cư ở cửa sông tỉnh Kiên Giang. Ảnh: TTXVN

Theo báo cáo của các địa phương, tác động của biến đổi khí hậu làm nước biển dâng, cùng với tình trạng sụt lún đất và các hình thái thời tiết cực đoan khác đã làm cho bờ sông, bờ biển của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Với hệ thống sông, kênh, rạch dày đặc và trên 740 km bờ biển, từ năm 2016 đến nay, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xuất hiện tổng số 779 điểm sạt lở với tổng chiều dài 1.134 km, trong đó bờ sông có 666 điểm/744 km; bờ biển có 113 điểm/390 km.

Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung nhiều hơn cho công tác quản lý bờ sông, lòng sông, bờ biển. Theo đó, tăng cường truyền thông, xử lý vi phạm; tổ chức điều tra, đánh giá hiện trạng sạt lở, bờ sông, bờ biển, xây dựng bản đồ phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, Trung ương đã đầu tư và đã có kế hoạch đầu tư cho các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long 16.223 tỷ đồng để xây dựng 218 công trình kè chống sạt lở, với chiều dài 324 km.

Để kiểm soát, giảm thiệt hại do sạt lở đất, lũ quét, sạt lở bờ sông, bờ biển, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương phải chủ động hỗ trợ ổn định đời sống cho các hộ dân khu vực đang bị sạt lở; chủ động di dời ngay các hộ dân ở khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở, tránh để bị động, bất ngờ dẫn tới thiệt hại tính mạng của người dân khi xảy ra sạt lở. Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục xử lý, khắc phục các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm để bảo đảm an toàn cho người dân và cơ sở hạ tầng quan trọng.

Đồng thời Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành liên quan cần phân tích sâu thêm nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, từ đó đưa ra các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo; nghiên cứu các giải pháp căn cơ, bài bản, chiến lược lâu dài như quai đê lấn biển với bờ biển phía Đông tại những nơi có điều kiện phù hợp (vừa phát triển giao thông, vừa chắn sóng, chống sạt lở, xâm thực, vừa giữ được phù sa để lấn biển); cân đối, bố trí nguồn lực của nhà nước và có cơ chế, chính sách phù hợp để xã hội hóa, huy động nguồn lực ngoài nhà nước, đầu tư các công trình phòng, chống sạt lở.

Nhiệm vụ cấp bách trước mắt là bảo đảm tính mạng, tài sản của nhân dân, các công trình của Nhà nước, bảo đảm sinh kế của nhân dân phải “thuận thiên”, phát triển nhưng phải bền vững, đúng theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”. Đây là vấn đề khó và phức tạp, song với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, vấn đề này sẽ từng bước được cải thiện./.

 Bài: Báo ảnh Việt Nam - Ảnh: TTXVN


Top