Nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt và “Hội ngộ Việt Nam”
Những bức ảnh của nhiếp ảnh gia người Đức Thomas Billhardt chụp về Hà Nội những năm 1965 -1975 đã cùng ông nổi tiếng khắp thế giới. Mới đây, ông trở lại Việt Nam và tổ chức triển lãm ảnh tại Tp. Hồ Chí Minh với chủ đề “Hội ngộ Việt Nam”. Triển lãm thể hiện sự trở lại của nhiếp ảnh gia cùng những bức ảnh về Việt Nam đất nước con người một thời không thể nào quên.
Thomas Billhardt sinh năm 1937 tại Chemnitz, Đức. Ông được công nhận là một trong những nhiếp ảnh gia tài liệu nổi bật nhất của thời Cộng hòa dân chủ Đức. Những bức ảnh của ông đã góp phần quan trọng trong việc cho thế giới thấy rõ sự khủng khiếp của Chiến tranh Việt Nam (1965-1975).
Trong những năm tháng khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ tại Việt Nam, bom đạn rải khắp chiến trường từ Bắc vào Nam. Thomas Billhardt đã thực hiện 7 chuyến tới Việt Nam và nhiều lần khác sau đó. Những bức ảnh chụp trong giai đoạn này đã được xuất bản trên nhiều tạp chí ảnh như: “Những phi công mặc pyjama” (1968), “Khao khát hòa bình: Việt Nam” (1973), “Hà Nội - Những ngày trước hòa bình” (1973) và “Những gương mặt Việt Nam” (1978).
Cảm nhận về ảnh của Thomas Billhardt, người xem sẽ thấy ông dùng khuôn hình “chân thực” để mô tả ảnh của mình, nhằm nhấn mạnh tính độc lập trong cương vị nghệ sĩ, người đi tìm những hình ảnh trần trụi, không thiên vị của sự vật, hiện tượng. Khi ông nhấn nút chụp, những gì xuất hiện trước ống kính phải là thứ đáng được lưu giữ, ông cố gắng ghi lại là những khoảnh khắc không thể tái hiện, là những hình ảnh xác thực và chân thành, như một khuôn mặt đẹp trong thế giới xám xịt, một nụ cười ngây thơ trong bối cảnh khắc nghiệt và hăm dọa, một cảnh nên thơ thường nhật khiến ta quên đi nỗi sợ và chiến tranh, đem đến cho ta hy vọng vào trạng thái bình thường hoà bình.
Con người Việt Nam đi vào ống kính của Thomas rất tự nhiên. Đó là hình ảnh bốn em nhỏ cùng ngồi dưới nắp hố tránh bom, hình ảnh nụ cười nữ du kích, chiếc xích lô chở những em nhỏ, chú bé cởi trần tắm sông, bộ đội Việt Nam với chiếc súng trên vai, những con phố bị chiến tranh tàn phá chỉ còn những mảnh vỡ... Tất cả đều đẹp, dung dị và nhẹ nhàng ánh lên sự lạc quan, kiên cường của người dân Việt Nam đối mặt với chiến tranh.
Lần trở lại Việt Nam năm 2023 này, Thomas Billhardt dù ở tuổi đã cao nhưng ông vẫn nhanh nhẹn và tràn đầy năng lượng khi tham gia workshop trò chuyện với công chúng Hà Nội. Dường như cứ nói đến Việt Nam, nhắc đến những tấm ảnh lịch sử của Hà Nội những năm 1965-1975 là nhiếp ảnh gia như có “lửa”, nhiệt huyết trong ông vẫn dồi dào như thời thanh niên vậy. Ông chia sẻ rằng: Tôi đã đến Hà Nội 7 lần trong những giờ phút đen tối nhất từ năm 1967 đến năm 1975. Thành phố đã bị phá hủy và người dân khi ấy rất sợ hãi. Hôm nay trở lại Hà Nội, tôi lại thấy một thành phố Hà Nội đang phát triển thật mạnh mẽ, người dân cởi mở, tự tin và mến khách. Ông kể: Một trong những bức ảnh đầu tiên tôi chụp ở Việt Nam vẫn là một trong những bức ảnh ấn tượng nhất. Khi tôi đến Hà Nội lần đầu tiên đã có báo động do một cuộc không kích của Mỹ. Và đột nhiên tất cả mọi người trên những con phố đông đúc của Hà Nội biến mất trong những hầm trú ẩn. Sau tiếng chuông báo động, tôi thấy một số trẻ em mở nắp hầm và tôi chụp ảnh bốn cậu bé. Hình ảnh bốn cậu bé với đôi mắt đen to, trong sáng hồn nhiên đã làm nên bức ảnh lịch sử của Thomas Billhardt với những khoảnh khắc đẹp nhất.
Cho đến nay dù cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã kết thúc gần 50 năm nhưng cảm xúc của Thomas Billhardt về Hà Nội vẫn còn nguyên vẹn như chính tình yêu sâu sắc ông dành cho mảnh đất này vậy. Thomas Billhardt sẽ còn “Hội ngộ Việt Nam” với triển lãm ảnh tại Huế trong tháng 5 sắp tới./.
Năm 2020, công ty Nhã Nam đã phối hợp cùng Viện Goethe Việt Nam xuất bản cuốn sách ảnh mang tên “Hà Nội 1967-1975” và triển lãm tại Hà Nội. Năm 2023, Viện Goethe Việt Nam trưng bày ảnh của nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt tại Tp.HCM với tên gọi là “Hội ngộ Việt Nam”.
Bài: Bích Vân Ảnh: Khánh Long, TL