Người nghệ sĩ phục dựng những con rối

Người nghệ sĩ phục dựng những con rối

Sinh ra trong một làng quê chứa đầy những tích rối cổ là Thạch Thất (Hà Nội), nghệ sĩ ưu tú Chu Lượng đã sống với những con rối ngay từ khi bắt đầu tập nói. Sau bao nhiêu năm đi khắp các làng quê Bắc Bộ, ông đã trở thành một trong những người có nhiều con rối, tích trò và sưu tầm văn hóa rối nước bậc nhất ở Việt Nam.

Nghệ sĩ Chu Lượng cùng các tác phẩm rối của mình.  Ảnh: Tư Liệu

Những con rối ngộ nghĩnh, làn sóng nước bập bềnh, tiếng trống âm vang tạo nên một tâm thức lúa nước trong tâm hồn nghệ sĩ Chu Lượng. Những đường nét ấy, âm nhạc ấy, sự ồn ào ấy, sông nước dập dồn ấy, hội hè vang dội ấy đã khiến Chu Lượng không thể rời xa những con rối kỳ lạ ấy.

Kho tư liệu rối của ông tụ họp khá đầy đủ những hình thái rối nước của Bắc Bộ. Những nhân vật rối nước có hàng ngàn, tích trò cũng nhiều không kể xiết.

 

“Những con rối giản dị quá, giản dị đến mức chúng ta vẫn hàng ngày nhìn thấy những quá ít người để ý. Và càng ít người nghĩ đó là vẻ đẹp của đời sống mà chúng ta luôn luôn thấy thiếu vắng mà lại không nhận ra.”, nghệ sĩ ưu tú Chu Lượng chia sẻ.

Vì thế, ông đã quyết định phục dựng lại những nhân vật rối nước.Tính cách, câu chuyện về các nhân vật rối nước ấy đã được sưu tầm lại. Thế nhưng hình dung về những con rối là cả một vấn đề khó khăn và làm sao để có được những đường nét mộc mạc, dung dị như chính tích cách và tích trò của chúng thì ông đã trở lại gần hai trăm ngôi làng cổ Bắc Bộ, tìm lại những gương mặt người nông dân thuần phác.

Chính những gương mặt thuần phác đó đã toát lên tinh thần rối nước và nghệ sĩ ưu tú Chu Lượng đã lưu giữ lại những gương mặt ấy. Bằng vốn kiến thức vô cùng dồi dào về rối nước, nghệ sĩ ưu tú Chu Lượng đã lần lượt phục hiện lại hàng loạt các nhân vật rối nước vô cùng đặc sắc. Sự phồn thực thể hiện rõ trong hình thể và màu sắc của rối.


Đặc biệt, ông đã phục dựng được thành công nhóm nhân cật rối nước về các vị thần Tứ bất tử Việt Nam cùng với năm nàng công chúa Đại Việt. Nghệ sĩ ưu tú Chu Lượng đã kỳ công pha trộn giữa vẻ đẹp của công chúa lẫn vẻ đẹp của bi kịch trong những nét rối rất dung dị. Ngoài nhóm nhân vật đặc sắc ấy, ông Lượng còn tái tạo hàng ngàn gương mặt rối khác nhau. Đó là gương mặt những người nông dân thuần hậu, chất phác, giống hệt như nghệ thuật rối nước.

Nghệ sĩ ưu tú Chu Lượng chia sẻ: “Với những con rối truyền thống, tôi chỉ đơn giản muốn dựng lên một thế giới của những tâm sự, nỗi buồn, khát vọng và vẻ đẹp trong cuộc sống của người nông dân trên mảnh đất của họ. Hơn nữa, muốn nhiều người biết đến rối nước để có thể bảo tồn được nét văn hóa truyền thống của Việt Nam.”./.





Bài: Ngân Hà- Ảnh: Khánh Long & Tư liệu

Top