Người nghệ nhân duy nhất của dòng họ Lại làm giấy sắc phong

Người nghệ nhân duy nhất của dòng họ Lại làm giấy sắc phong

Ẩn sâu trong con ngõ nhỏ ở phố Nhật Tảo (Hà Nội), ông Lại Phú Thạch là truyền nhân duy nhất của dòng họ Lại vẫn hàng ngày cần mẫn, tỉ mỉ trong chiếc bàn nhỏ sáng đèn để làm ra những tờ giấy sắc phong vang bóng một thời của tiền nhân họ Lại xưa để lại.

Nghệ nhân Lại Phú Thạch là nghệ nhân đời thứ 26 thuộc dòng họ Lại còn lưu giữ nghề làm giấy sắc phong.

Là truyền nhân đời 26 của dòng họ Lại, ông Lại Phú Thạch cho biết giấy sắc phong của họ Lại đã có lịch sử hơn 600 năm. Giấy sắc phong được làm bằng đôi bàn tay khéo léo của những người thợ dòng họ Lại ở làng Cổ Âm xưa nay đổi thành làng Trung Nha (Cầu Giấy, Hà Nội). Những người thợ dòng họ Lại sẽ làm ra những tờ giấy màu sắc và họa tiết, sau đó nhà vua, chúa sẽ sử dụng để ban các đạo sắc phong cho quan quân triều đình.

Ông Lại Phú Thạch cho biết lúc còn trẻ ông thường ngồi cùng ông nội nên biết được cách làm giấy sắc phong. Tuy nhiên, trải qua thời kỳ chiến tranh, nghề làm giấy sắc phong gia truyền của dòng họ Lại bị gián đoạn, mãi đến năm 60 tuổi ông mới bắt tay vào phục dựng giấy sắc theo yêu cầu của các cụ cao niên trong họ. Bằng việc nhớ lại những bước làm, công thức được ông nội chỉ dạy và trải qua rất nhiều lần làm thử, ông Lại Phú Thạch đã phục dựng thành công được tờ giấy sắc phong đúng chất lượng và hoàn chỉnh như các cụ trong dòng họ ngày trước đã làm.

Nghệ nhân Lại Phú Thạch cùng với những người trong dòng họ Lại đang cố gắng giữ gìn nghề của ông cha để lại.
Để làm được giấy sắc phong chuẩn phải trải qua nhiều công đoạn và ba lần phơi giấy thì giấy mới đảm bảo được đồ bền bỉ mà không sợ mối mọt.

Ông Lại Phú Thi - một người con họ Lại cho biết: “Chúng tôi rất trân trọng vì việc cố gắng tìm tòi để làm lại những tờ giấy từ nghề gia truyền dòng họ của ông Thạch. Bởi vì đó cũng là tâm niệm của tiền nhân của dòng họ. Đến nay có rất nhiều người tìm đến để hiểu về nghề làm giấy sắc phong của họ Lại chúng tôi rất mừng, bởi ít nhiều khi nghề này chỉ còn ông Thạch làm nhưng được người ta biết đến cũng là sự động viên rất lớn để ông ấy tiếp tục làm. Chỉ có điều đáng tiếc là hiện tại chưa có thế hệ con cháu nào trong gia đình để truyền lại lưu giữ nghề, đó cũng là điều mà ông Thạch cũng đau đáu không muốn bán giấy mặc dù có rất nhiều người ngoài tìm đến để mua bí kíp làm ra giấy sắc phong”.

Những bản giấy sắc phong nằm trong nhà thờ của dòng họ Lại.

Ông Thạch cho biết, để làm ra được giấy sắc thì phải cần làm giấy dó trước. Muốn làm được giấy dó chuẩn thì phải lấy vỏ cây dó tách ra rồi đem ngâm nước vôi loãng, đun cách thủy. Sau đó đem giã cho đến khi nhuyễn như bùn rồi mới làm thành giấy. Khi đã có giấy dó sẽ vào keo để tờ giấy có độ dài hơn 1 mét rồi đem phơi, sau khi phơi khô lại tiếp tục vào keo để chống mối mọt rồi lại đem phơi khô. Sau khi giấy đã khô thì sẽ nhuộm màu bằng nguyên liệu hoa hòe, rồi tiếp tục phơi khô để nghè giấy. Nghè giấy cần dùng chày để đập giấy cho đến khi nào giấy dai, mặt phẳng mịn và không khô rát nữa thì sẽ đem vẽ.

Để vẽ được trên tờ giấy sắc phong thì đó là một phương thức bí truyền của dòng họ Lại. Ông Thạch thường dùng một chất liệu mực có tính kết dính được làm đặc biệt để vẽ thì mới bám được vào mặt giấy. Ông Thạch bảo rằng ngày trước các cụ họ Lại thường vẽ bằng vàng và bạc, thường sẽ có 3 người vẽ gồm 1 người vẽ chính và 2 người vẽ hai bên, nhưng giờ chỉ có một mình ông làm nên ông sẽ từ từ khoảng vài ngày thì sẽ xong. Họ Lại nhà ông Thạch sẽ làm ra những tờ giấy sắc phong màu vàng rồi vẽ họa tiết, đặc trưng trên tờ giấy sắc phong sẽ có rồng, có tứ linh phú quý, còn phần nội dung trên giấy sẽ là theo yêu cầu của vua chúa từng thời đại được soạn riêng.


Khó khăn, vất vả để lưu giữ nghề gia truyền của dòng họ là vậy nhưng trong thời buổi kinh tế thị trường tờ giấy sắc phong ngày càng không được sử dụng nhiều nên những người đặt ông Thạch làm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Khách hàng chủ yếu của ông là các ban quản lý đình chùa có sắc phong nhưng bị hư hỏng mang đến để nhờ ông Thạch phục dựng lại những văn kiện xưa.

Câu chuyện của chúng tôi với ông Thạch kết thúc vào quá giờ trưa mà trong mỗi câu nói, ánh mắt của ông Thạch khi nói về việc lưu giữ nghề gia truyền của dòng họ Lại mang đầy sự trăn trở, lo âu khi chưa có ai tiếp nối ông để giữ nghề nữa./.

  • Bài: Ngân Hà/Báo ảnh Việt Nam
  • Ảnh: Khánh Long/Báo ảnh Việt Nam
  •  

 


Top