Ngôi đình cổ đất Phương Nam

Ngôi đình cổ đất Phương Nam

Sau nhiều lần trùng tu, đình Thông Tây Hội đã trở thành Di tích Kiến trúc nghệ thuật, văn hóa lịch sử Quốc gia.

Đình Thông Tây Hội nằm ở phường 11, quận Gò Vấp, Tp Hồ Chí Minh, từ lâu đã nổi tiếng là ngôi đình lâu đời nhất không chỉ ở Tp HCM mà cả vùng đất phương Nam. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, đình cổ Thông Tây Hội vẫn là nơi duy trì nhiều giá trị văn hóa - tín ngưỡng tốt đẹp của dân tộc bên cạnh những giá trị nghệ thuật kiến trúc truyền thống độc đáo.

Đình thần Thông Tây Hội do những người di dân quê gốc Nghệ An xây dựng từ năm 1679. Đến năm 1883, Đình thần Thông Tây Hội mới xây dựng theo kiến trúc như hiện nay.


Đình thần Thông Tây Hội thờ Thành Hoàng là hai vị thần Đông Chinh Vương và Dực Thánh Vương, hai hoàng tử con vua Lý Thái Tổ (974-1028). Đình có 3 thành phần chính là Võ ca, Chánh điện và Hội sở. Trong đó, Chánh điện là “điểm nhấn” kiến trúc của đình được tạo nên bởi hai nếp nhà ghép trùng nhau theo kiểu “trùng thiềm điệp ốc”. Trên nóc có tượng lưỡng long tranh châu bằng gốm men xanh, đúng theo kiểu truyền thống ở các ngôi đình, chùa.


Đình Thông Tây Hội là ngôi đình có cấu trúc thuộc dạng đình cổ ở miền Nam thế kỷ 19, hiện vẫn gìn giữ được gần như nguyên vẹn cấu trúc và vật liệu xây dựng của ngôi đình cổ. Đình quay về hướng Đông, cổng đình xây theo kiểu tam quan, sân rộng. Mặt bằng kiến trúc của đình tạo thành hai trục song song với nhau: một trục dài (trục chính) gồm võ ca, chánh điện; một trục ngắn (trục phụ): nhà hội sở.



Phía trước chánh điện là nhà võ ca, ngang 14m, sâu 17,5m, cao 4m, gồm 7 nếp nhà và 52 cột gỗ. Chánh điện gồm 2 nếp nhà ghép trùng nhau theo kiểu "trùng thiềm điệp ốc". Mái của hai nếp nhà cạnh sát nhau, có 48 cột, chia thành 8 dãy cột, mỗi dãy có 6 cột. Bốn cột giữa cao nhất là 4,5m, có đường kính là 30cm (thường được gọi là "tứ tượng") là nơi quan trọng nhất, linh thiêng nhất - nơi đặt bàn thờ thần. Các chân cột ở chánh điện được có khắc hình lăng trụ thắt ở giữa. Trên nóc chánh điện có tượng lưỡng long tranh châu bằng gốm men xanh. Quanh chánh điện có tường gạch.

Nhà hội sở là văn phòng ban trị sự, nơi tiếp khách và chuẩn bị tế lễ, có kích thước ngang 12m, dài 19m, cao 4,2m; có 56 cột, chân cột kê đá xanh, có 3 nếp nhà "trùng thiềm điệp ốc"; có vách ván ngăn phòng làm việc với nhà kho.


Trang trí của đình Thông Tây Hội, phần đặc sắc nhất tập trung tại chánh điện, các đầu kèo đều được chạm khắc đầu rồng và cành mai. Có 3 bao lam: bao lam ở giữa chạm theo đề tài lân li qui phụng, hai bao lam hai bên chạm theo đề tài mẫu đơn, chim trĩ. Tác phẩm chạm khắc đặc sắc nhất là trang thờ thần, được chạm khắc tinh xảo theo đề tài lưỡng long triều nguyệt và lân li qui phụng.

Trong di tích đình Thông Tây Hội còn giữ 37 hiện vật quí, là các tác phẩm chạm khắc nghệ thuật như bao lam, hoành phi, câu đối, trang thờ đều giữ được đường nét, màu sắc sơn son thếp vàng, không bị phết lên những lớp son mới như một số ngôi đình khác thường làm./.

Bài và ảnh: Thông Hải


Top