Nghề làm hoa lụa đất Hà Thành
Nghề làm hoa lụa tại Hà Nội đến nay trở thành một lĩnh vực phổ biến trên thị trường Việt Nam. Khắp nơi trong thành phố đều có các cửa hàng hoa lụa với đa dạng thế giới hoa đáp ứng nhu cầu trưng bày hoa, trang trí nhà cửa và quà tặng ngoại giao. Hoa lụa cũng là sản phẩm thấm đẫm nét đẹp văn hóa Việt Nam được bạn bè quốc tế yêu thích và đặt hàng.
Trò chuyện với nghệ nhân Mai Hạnh, người có hơn 50 năm tuổi nghề làm hoa lụa tại Hà Nội chúng tôi được biết nguồn gốc của nghề làm hoa lụa có mặt vào thế kỷ 14 tại Pháp sau đó tràn sang Anh và Châu Mỹ. Họa lụa phát triển rực rỡ vào cuối thế kỷ 19 trước nhu cầu cuộc sống trang hoàng nhà cửa của người nước ngoài.
Tại Hà Nội, nghề làm hoa lụa xuất hiện từ nét đẹp truyền thống của người Hà Nội. Các bà mẹ thường dạy con gái phải biết nữ công gia chánh, phải biết may, thêu, hội họa nên hầu như trên phố cổ Hà Nội gia đình nào cũng dạy con làm hoa giấy. Từ hoa giấy sáng tạo ra cách làm hoa lụa bằng cách tận dụng những miếng vải hoa may thừa còn lại. Nghệ nhân Mai Hạnh kể rằng: Bà bắt đầu làm học làm hoa lụa từ truyền thống gia đình. 13 tuổi bà đã được mẹ dạy nghề làm hoa lụa. Từ đó thành nghiệp, cho đến nay hoa lụa Mai Hạnh đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng Việt Nam với hàng trăm mẫu hoa đa dạng, Bà Mai Hạnh được phong danh hiệu nghệ nhân hoa lụa năm 35 tuổi.
Nghề làm hoa lụa tại Hà Nội cũng có nhiều thăng trầm do gặp phải những cạnh tranh của dòng hoa ngoại nhập từ Trung Quốc. Do vậy để đứng vứng với nghề, đòi hỏi người thợ phải có tố chất mỹ thuật và hội họa vì cách làm hoa hoàn toàn thủ công. Công cụ để làm chỉ gồm có kéo, vải còn lại nghệ thuật sắp xếp nằm ở sự khéo léo của đôi tay người thợ.
Nghệ nhân Mai Hạnh là người luôn đau đáu việc bảo tồn và duy trì nghệ thuật hoa lụa trong tương lai. Với bà, giữ được nghề và để nghề có sức sống thì phải lan tỏa và đào tạo thế hệ trẻ học nghề và sống được với nghề. Trong nhiều năm qua, nghệ nhân Mai Hạnh đã đến nhiều trường học, làng nghề để truyền nghề cho học sinh, tạo công ăn việc làm cho các em mồ côi, tàn tật. Thậm chí bà còn dạy cho cả những du khách nước ngoài có niềm đam mê với nghệ thuật hoa lụa. Nhiều học sinh của bà sau khi vững nghề đã mở cơ sở sản xuất riêng và nhân rộng mô hình làm hoa lụa tại Hà Nội. Hiện nay, chị Minh Hằng, con gái bà Minh Hạnh đã tiếp nối nghề của gia đình và phát triển thương hiệu hoa lụa nổi tiếng khắp nơi.
Ngoài thương hiệu hoa lụa Mai Hạnh, tại Hà Nội có nhiều cơ sở làm hoa lụa khác như: Hoa lụa Đức Hải, Hoa lụa Quỳnh Linh, Hoa Lụa Nhật Phương... Các sản phẩm Hoa lụa Hà Nội được tập trung bày bán rất nhiều tại phố Hàm Long, phố cổ và bán trên nền tảng thương mại điện tử.
Những năm gần đây, hoa lụa đã trở thành một sự lựa chọn mới cho những người yêu hoa. Hoa lụa có ưu điểm là màu giữ được lâu, sắc hoa luôn tươi tắn và dễ sử dụng trong mọi không gian và cũng phù hợp với những người bận rộn muốn giữ hoa lâu bền hơn hoa tươi. Bên cạnh đó trình độ làm hoa lụa của người thợ Hà Nội ngày một nâng cao, họ làm hoa lụa giống như bản sao của hoa tươi nên hoa không chỉ tạo vẻ cân xứng hài hòa cho không gian sống mà còn tạo cảm giác thư thái về tinh thần, làm cho cuộc sống gần gũi với thiên nhiên. Hoa lụa được làm từ các chất liệu vải sợi cao cấp nên độ bền của hoa lụa khá tốt có thể duy trì được 10 đến 15 năm. Tính tiện ích và tiết kiệm của Hoa lụa là dù để lâu trong môi trường nóng ẩm bụi bặm, sau khi được nhúng rửa bằng nước sạch là có thể sấy khô như hoa mới.
Mỗi tháng trung bình cơ sở sản xuất hoa lụa Mai Hạnh cung cấp ra thị trường 300 đơn hàng được bán trực tiếp và online, các cơ sở hoa lụa khác cũng sản xuất liên tục theo đơn hàng của thị trường nhưng cao điểm nhất là vào các dịp Tết, ngày Lễ. Giá bán một bình hoa lụa dao động từ 200,000 vnđ đến 1 triệu vnđ. Một người thợ làm Hoa lụa có thu nhập trung bình từ 8 đến 15 triệu Vnđ một tháng. Nghề làm hoa lụa cũng mang lại cuộc sống ổn định cho người lao động và đang góp phần làm đẹp cho mỗi ngôi nhà, không gian sống cũng như là quà tặng kết nối giao lưu tình bạn bè, gia đình khắp muôn nơi./.
Bài: Bích Vân, Ảnh: Trần Thanh Giang