Nghề làm đầu lân xứ Huế nhộn nhịp vào mùa Trung thu

Nghề làm đầu lân xứ Huế nhộn nhịp vào mùa Trung thu

Anh Trương Như Rem, người có thâm niên hơn 20 năm làm đầu lân ở Huế. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Tính ra còn chưa đầy một tuần lễ nữa là đến tết Trung thu thế nhưng trước đó hàng tháng trời các xưởng làm đầu lần ở Huế đã tất bật, hối hả vào vụ làm đầu lân lớn nhất trong năm. Trong khu xưởng nhỏ nằm ở con hẻm hẹp tại số 5/9 đường Trần Hưng Đạo, anh Trương Như Rem đang mải miết cắm cúi làm đầu lân, thỉnh thoảng có khách vào hỏi mua hay du khách nào ghé tham quan thì anh mới dừng tay tiếp khách. Công việc ấy ngày nào cũng như ngày nào, anh làm suốt từ sáng đến tối không ngơi tay, nhất là những ngày gần đến tết Trung thu, khi mà các đơn hàng dồn dập được gửi về tới tấp.

 

Lân Huế vừa có nét kiêu sa, dũng mãnh lại phảng phất chút gì đó sang trọng, quý phái như tính cách cung đình của người xứ Huế. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Anh Rem theo nghề làm đầu lân này đã lâu, tính đến nay cũng đã hơn hai chục năm. Cái nghề gắn bó với anh tới mức tay nghề giờ đã trở nên điêu luyện nên nhiều người vẫn thường gọi anh là nghệ nhân mặc dù về mặt chính thức thì anh chưa có danh hiệu ấy. Vì thế khi nghe ai gọi mình là nghệ nhân anh lại ngượng ngùng cười bẽn lẽn, nhưng điều ấy cũng chẳng hề gì bởi với anh cái nghề này không chỉ đem lại cho anh niềm vui đam mê sáng tạo nghệ thuật mà còn giúp anh phát triển được kinh tế gia đình. 

Anh Rem kể, Huế là đất kinh đô nên nghề làm đầu lân đã có từ lâu đời và xứ Huế cũng có nhiều thợ giỏi, mỗi người theo một phong cách khác nhau nên sản phẩm làm ra không ai giống ai nên vì thế đầu lân Huế cũng rất phong phú và đa dạng về kiểu cách, mẫu mã.

 

Những con hẻm nhỏ rực rỡ sắc màu lân Huế. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Thợ làm lân xứ Huế tài hoa lại có sự ảnh hưởng từ văn hóa cung đình nên lân Huế cũng có cái thần riêng. Đó là lân Huế vừa có nét kiêu sa, dũng mãnh lại phảng phất chút gì đó đài các, sang trọng và quý phái như tính cách cung đình của người xứ Huế.

Ban đầu, lân Huế truyền thống chỉ có hai màu đỏ và vàng tượng trưng cho màu sắc của hoàng gia, và thể hiện cho may mắn, tài lộc, thịnh vượng. Tuy nhiên, do nhu cầu của thị hiếu ngày càng đa dạng nên lân Huế cũng có sự đổi thay để đáp ứng thị trường. Vì thế lân Huế ngày nay có rất nhiều màu sắc như xanh lá, xanh dương, cam, hồng cho đến tím, và thậm chí là cả màu đen.

Vẻ đẹp của lân Huế không chỉ ở màu sắc, hoa văn, họa tiết trang trí mà còn chính ở đôi mắt, bộ râu và hàng mi. Vì thế thợ Huế rất chăm chút trong việc tạo hình, trang điểm cho mắt, râu và mi của lân. Bởi mắt lân biết chớp, nháy biểu lộ rất sinh động những cảm xúc hỉ, nộ, ố, ái, còn râu và mi lại thể hiện cái thần thái, sự sinh động, uyển chuyển của lân khi chuyển động.

 

Đường Trần Hưng Đạo là phố kinh doanh đầu lân nổi tiếng ở Huế. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Theo các nghệ nhân lâu năm, toàn bộ quy trình làm đầu lân từ dựng khuôn, lợp vải, dán giấy, sơn, vẽ trang trí, gắn râu, mi, treo lục lạc… tất cả đều được làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Đặc biệt, công đoạn vẽ trang trí thể hiện rất rõ cá tính và trình độ của người nghệ nhân. Tùy vào tay nghề và cảm xúc mà người nghệ nhân có thể có những sự sáng tạo riêng. Vì thế mỗi sản phẩm đầu lân làm ra thoạt nhìn thì có vẻ giống nhau nhưng xem kĩ thì không cái nào giống cái nào bởi đường nét, hoa văn, họa tiết, màu sắc trang trí luôn khác. Do đó có thể nói đầu lân chính là những sản phẩm độc bản.

Một bộ đầu lân hoàn chỉnh ngoài chiếc đầu lân được xem là chính, là linh hồn còn có nhiều phụ kiện đi kèm như đuôi lân, trang phục của người biểu diễn, mặt nạ ông địa, trống, chiêng, thanh la, não bạt, cờ, quạt…

 

Càng gần đến ngày tết Trung thu hoạt động mua bán đầu lân càng nhộn nhịp. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Do làm thủ công nên thời gian hoàn thiện một chiếc đầu lân loại lớn cũng tốn khá nhiều công sức và thời gian. Nếu đơn giản thì khoảng một tuần thì xong, còn phức tạp có khi cả tháng mới hoàn thành được một chiếc. Ngày nay, để có thể làm được số lượng lớn và nhanh, các thợ lân Huế cũng phân chia nhau làm mỗi người một công đoạn, người dựng khung, người lợp vải, dán giấy, ai có tay nghề giỏi thì đảm nhận phần vẽ trang trí. Người nào việc nấy tuần tự như một dây chuyền sản xuất khép kín.

Ngoài loại đầu lân cỡ lớn, cỡ vừa người ta còn làm cả loại đầu lân cỡ nhỏ bé chừng quả cam để làm quà lưu niệm tiện cho du khách đóng gói đem đi xa. Giá mỗi chiếc đầu lân thường tùy vào kích cỡ và độ tinh xảo sẽ có sự khác biệt nhau khá nhiều, ít thì vài trăm nghìn, vừa vừa thì vài triệu, thậm chí đến cả chục triệu đồng.

Ngoài đầu lân các xưởng còn sản xuất cả những phụ kiện đi kèm như trang phục biểu diễn, mặt nạ ông địa... Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Đầu lân là sản phẩm văn hóa độc đáo, thường được sử dụng để trình diễn mua vui vào dịp tết Trung thu. Tuy nhiên, ngày nay việc múa lân diễn ra hầu như quanh năm, nhất là vào các dịp lễ tết, sự kiện văn hóa, khai trương, khánh thành… Đặc biệt, ở Huế múa lân được xem như một loại hình văn hóa nghệ thuật không thể thiếu tại các kì Festival Huế và Festival làng nghề truyền thống. Vào những dịp này các đoàn lân không chỉ trình diễn tại các tụ điểm vui chơi giải trí mà còn xuống đường tham gia vào các hoạt động quảng diễn trên đường phố góp phần tạo nên bầu không khí vui tươi, náo nhiệt để thu hút người xem và du khách.

 

Lân Huế xuất hiện trong hầu hết các sự kiện lễ nghi, văn hóa của thành phố Huế. Ảnh: Thanh Hoà/Báo ảnh Việt Nam 

Ngày nay, nghề làm đầu lân ở Huế đã trở nên nổi tiếng cả nước. Đầu lân Huế là sản phẩm văn hóa độc đáo vừa phục vụ các ngày lễ vừa là món quà lưu niệm thú vị dành cho du khách. Sản phẩm lân Huế giờ đã có mặt ở nhiều thị trường trên cả nước, thậm chí còn được xuất sang các nước có đông người Việt sinh sống để phục vụ nhu cầu văn hóa của đồng bào ở xa quê hương./.

 

  • Bài, ảnh:  Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Top