Nấm hầu thủ - dược liệu quý trong y học

Nấm hầu thủ - dược liệu quý trong y học

Thời gian gần đây, một số chủ trang trại ở Hà Nội đã tiếp cận và nhân rộng mô hình nuôi trồng loại nấm hầu thủ được coi là nguồn dược liệu quý sử dụng trong y học.

Nấm hầu thủ trưởng thành, chuẩn bị cho thu hoạch.

Nấm đầu khỉ (hay còn gọi là nấm hầu thủ), có hình dáng khá giống đầu khỉ. Nấm hầu thủ non có màu trắng hay trắng ngà, thịt nấm màu trắng, khi già có màu vàng hoặc vàng sậm, các tua nấm chính là lớp bào tầng, có chiều dài từ 0,5 – 3cm. Nấm đầu khỉ tươi thường mọc trên các thân cây gỗ tán rộng bị mục nát. Hiện nay, loại nấm này đã được nuôi trồng nhân tạo thành công ở nước ta và các quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh nấm hầu thủ có nhiều tác dụng như: Hiệu quả tốt trong điều trị bệnh Alzheimer; làm chậm quá trình lão hoá và phục hồi các neuron thần kinh; tăng cường hệ miễn dịch; các hợp chất trong nấm có tác dụng điều chỉnh lượng lipid máu và giảm lượng đường trong máu… Đặc biệt, các chất chiết xuất từ nấm hầu thủ có tác dụng giảm thấp nhất tác hại của xạ trị và hoá trị trong điều trị ung thư.

Phôi nấm hầu thủ được nhập trực tiếp từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam, sau đó các chủ trang trại sẽ tự nhân thêm giống. Sau 3 năm nuôi trồng thì mô hình sẽ đi vào hoạt động ổn định, trung bình mỗi trang trại 1 năm doanh thu từ nấm hầu thủ đạt hơn 300 triệu đồng. Trong y học cổ truyền nấm hầu thủ thường được sử dụng ở dạng khô, có thể dùng riêng hoặc phối hợp với một số vị thuốc khác (nên tham khảo ý kiến thầy thuốc hoặc bác sĩ trước khi sử dụng loại thảo dược này). Tính trung bình cứ 10 kg nấm hầu thủ tươi mới được 1kg nấm khô.


Nấm hầu thủ là sản phẩm mới, chưa nhiều người biết đến, nhưng vẫn có hướng phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, những người không có kinh nghiệm làm loại nấm này sẽ rất dễ thất bại vì chi phí đầu tư ban đầu cao, kỹ thuật chăm sóc cần sự tỉ mỉ…

Cách chăm sóc sản phẩm này khá phức tạp, thừa nước là thối vì đặc thù loại nấm này không ưa nước, nhưng thiếu nước thì cũng khô hỏng... Chính vì vậy, thời gian đầu, các trang trại trồng nấm đều phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Mỗi bịch giá thể được trộn cám ngô, cám gạo, mùn cây bồ đề theo tỷ lệ kết hợp độ ẩm khoảng 65%. Sau đó, các bịch giá thể được hấp nhiệt độ cao với thời gian lên tới 10 tiếng nhằm tiệt trùng, đảm bảo môi trường phát triển của nấm.

Kết thúc quá trình cấy phôi, các bịch giá thể sẽ được đưa vào phòng ươm tơ, thời gian từ 3 - 4 tháng, đến khi đủ điều kiện tiêu chuẩn sẽ được chủ trại nấm đưa ra khu vực nuôi trồng.



Thông thường mất khoảng 100 ngày sẽ thu hoạch được nấm (thời gian thu hoạch còn phụ thuộc vào nhiệt độ, thời tiết). Tính trung bình 1 bịch giá thể sẽ thu được 3 - 4 lạng nấm hầu thủ.

Vì điều kiện khí hậu miền Bắc khắc nghiệt nên dược tính của nấm hầu thủ được trồng ở đây sẽ đạt hiệu quả cao hơn những nơi nuôi trồng khác. Nếu đun lên uống, người dùng sẽ nhận ra vị đắng, thơm của nấm. Một điểm đáng chú ý khác nữa là đầu tư sản xuất nấm hầu thủ không chỉ có thuận lợi mà còn phải đối mặt với khá nhiều rủi ro.


Nhắc đến nấm dược liệu, đa số người dân hiện vẫn chỉ biết đến những loại phổ biến như linh chi, vân chi, đông trùng hạ thảo…, ít người biết đến nấm đầu khỉ. Đây cũng chính là lý do đầu ra sản phẩm nấm hầu thủ còn hẹp.

Nuôi trồng nấm đầu khỉ là một mô hình khá mới mẻ ở Việt Nam, nếu đầu tư cẩn thận với quy mô lớn, có thể trở thành một sản phẩm nông nghiệp tiềm năng cho sự phát triển ở nông thôn./.

Ngày nay, y học hiện đại đã sử dụng nấm hầu thủ một cách rộng rãi để điều trị các bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa
như rối loạn đường ruột, chán ăn, viêm loét và đau dạ dày, hỗ trợ điều trị ung thư dạ dày.

 Bài: Khánh Long; Ảnh: Công Đạt/ Báo ảnh Việt Nam


Top