Mùa vàng Trùng Khánh
Mảnh đất vùng biên viễn Trùng Khánh (Cao Bằng) non xanh nước biếc. Thu về, đồng nghĩa với mùa gặt, Trùng Khánh khoác lên mình một tấm áo mới vàng ươm trên những nẻo đường xuôi ngược.
Chẳng vì thế, từ khi xe ngược ngàn lên lên đầu huyện Trùng Khánh, nơi tiếp giáp với huyện Quảng Uyên đã mở ra trước mắt một không gian mê hoặc, lúa vàng chen núi, núi chen suối và những dòng suối nhỏ ôm ấp những bản làng người Tày mờ ảo trong sương sớm. Lúa vàng chạy ven theo Tỉnh lộ 215, ẩn hiện trong những thung lũng chạy dài ngút ngát tầm mắt. Thoang thoảng một mùi thơm nồng của lúa chín pha lẫn mùi rơm rạ hoai hoải tạo nên một thứ mùi vị rất khác, khó diễn tả bằng lời.
Khi chúng tôi đặt chân đến thị trấn trung tâm huyện Trùng Khánh, đã thấy nườm nượn các đoàn xe du lịch từ dưới xuôi lên. Khách lên chiêm ngưỡng mùa vàng, nghệ sỹ nhiếp ảnh lên săn tìm những khoảng khắc đẹp, người phố thị chật hẹp lên để đổi gió, tận hưởng một không gian bao la, đẹp đến độ diễm lệ của non nước Trùng Khánh.
Mùa vàng Trùng Khánh nổi tiếng đến độ, chỉ cần đưa cụm từ này lên google thì có hàng triệu kết quả nên chúng tôi không khó khăn để xác định điểm đến “trái tim” của mùa lúa chín là ba xã Ngọc Côn, Phong Nặm và Đàm Thủy.
Điểm dừng chân đâu tiên của chúng tôi là Thác bản Giốc – một trong 7 con thác kỳ vĩ của thế giới. Dưới chân thác, một thửa ruộng bậc thang vàng ươm do Đồn biên phòng Đàm Thủy cấy trồng đang đến kỳ thu hoạch. Thửa ruộng này như tô điểm thêm sắc màu cho thác bản Giốc hùng vĩ.
Chiều tà, chúng tôi về Phong Nặm và Ngọc Côn, mở ra trước mắt một không gian khoáng đạt của cánh đồng lúa chín vàng uốn lượn quanh sông Quây Sơn chạy tít tắp xa xa về phía chân núi. Mùa này, du khách choáng ngợp trong màu vàng của lúa, màu xanh của núi và dòng sông Quây Sơn bàng bạc chảy ngang bản làng. Thời điểm đẹp nhất mùa vàng ở đây vào lúc bình minh (từ khoảng 5h sáng) và hoàng hôn (từ khoảng 15h chiều). Lúc này, những tia nắng ấm áp chiếu xuống những cánh đồng lúa bát ngát nên một khung cảnh lấp lánh ánh vàng vô cùng độc đáo.
Phong Nậm và Ngọc Côn là nơi sinh sống chủ yếu của người dân tộc Tày. Họ chủ yếu làm công việc nương rẫy và vẫn giữ được nếp sinh hoạt truyền thống từ nhiều đời nay. Đến đây, chúng tôi bắt gặp những nếp nhà nhỏ nhắn nằm bình yên bên núi đồi, những thửa ruộng vàng ươm, vuông vức, xinh xắn được người dân tất bật thu hoạch lúa.
Bên cạnh những giống lúa mới, người Tày ở đây vẫn giữ được các giống lúa nếp bản địa với độ dẻo và hương thơm đặc trưng. Khi vào độ lúa chín, cả thung lũng xinh đẹp đều thoang thoảng mùi lúa, mang đến cho bạn cảm giác khoan khoái, thư giãn.
Chúng tôi đến xã Ngọc Côn để tìm hiểu một đặc sản mang tên nếp ong thơm ngọc nức tiếng. Cách thu hoạch loại đặc sản nếp ong này cũng cầu kỳ và tỉ mẩn không nơi đâu sánh bằng.
Đến thăm thung lũng Ngọc Côn nằm thơ mộng bên sông Quây Sơn, sẽ thật thiếu sót nếu du khách không thưởng thức vị ngọt thơm lúa nếp ong bản địa. Lúa nếp ong (dân địa phương gọi là Khẩu Phjẩng) được trồng trên những đám ruộng màu mỡ bên dòng sông Quây Sơn trong xanh. Có lẽ do đất đai, khí hậu và dòng nước trong, mát lạnh nên lúa nếp ong có bông dài, hạt tròn to, gạo thơm, dẻo, có hương vị độc đáo, thơm ngon hơn hẳn các loại gạo nếp khác, được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.
Nếp ong, đặc sản của những cánh đồng trên cánh đồng Ngọc Côn, được người dân bó thành từng bó lớn gánh từ đồng về trong mùa thu hoạch. Đây là loại nếp hạt mẩy, to tròn, khi nấu hạt ráo và dẻo ngon hơn cả nếp cái hoa vàng.
Chị Hoàng Thị Thủy ( xã Ngọc Côn) chia sẻ: “Giống lúa nếp ong được người dân địa phương trồng từ xa xưa. Đây là loại gạo nếp thơm ngon, nhất là khi nấu xôi, làm bánh chưng, bánh dày đều rất mềm dẻo, được người tiêu dùng ưa chuộng. Vì vậy, giá bán ra thị trường luôn đắt hơn các loại gạo nếp khác. Trung bình, thóc nếp ong có giá từ 70.000-90.000 đồng/kg”.
Thung lũng Ngọc Côn bên sông Quây Sơn có vị trí là trung tâm của tuyến du lịch “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên” trong hành trình khám phá Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Và khi du khách đã no con mắt nhìn ngắm phong cảnh núi non hùng vĩ thì không còn gì thú bằng khi vị giác thưởng thức xôi nếp ong thơm ngon lạ thường.
Mùa vàng ở Trùng Khánh đang là điểm đỏ để tỉnh Cao Bằng kích cầu du lịch trong năm 2024. Bà Đoàn Thị Lê An, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng cho biết, để hiện thực hóa mục tiêu đón 2,2 triệu lượt khách du lịch trong năm nay, Cao Bằng sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư chiến lược, xây dựng hạ tầng theo hướng đồng bộ đa chức năng tại 3 di tích quốc gia đặc biệt, các danh thắng quốc gia và vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng gắn với bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó, mùa lúa chín là một loại hình du lịch đặc sắc./.
- Bài: Thông Thiện
- Ảnh: Nguyễn Thắng, Hoàng Hà, Thông Thiện
- Kỹ thuật, đồ họa: Hương Thảo