MONO – Câu chuyện thời trang bền vững

MONO – Câu chuyện thời trang bền vững

MONO ra đời ban đầu chỉ với một mong muốn đơn thuần đó là giúp người mặc tìm được sự thoải mái, tự tin trong mỗi trang phục hàng ngày. Theo thời gian, MONO đã trở thành một thương hiệu thời trang, mà ở đó, cá tính, bản sắc của mỗi khách hàng được cá nhân hóa và thể hiện hài hòa theo phong cách thiết kế nổi tiếng wabi-sabi của Nhật Bản.

Những thiết kế “dung hòa sự bất đối xứng”

Là thương hiệu thời trang do các nữ kiến trúc sư sáng lập, MONO đem đến sự khác biệt cho các tín đồ thời trang.

Các thiết kế của MONO thể hiện những chi tiết bất đối xứng của phong cách thiết kế nổi tiếng wabi-sabi của Nhật Bản, đó là tìm kiếm và tôn vinh vẻ đẹp không hoàn hảo, giúp con người nhận biết giá trị của lối sống đơn giản và thuận tự nhiên. 

Sự dung hòa của các chi tiết bất đối xứng đặc trưng của wabi-sabi trong các thiết kế của MONO thể hiện thông điệp mà thương hiệu muốn gửi gắm đến với các khách hàng của mình. Đó là những mối quan hệ dung hòa giữa con người và thiên nhiên, giữa sự thoải mái và cá tính thời trang, giữa cuộc sống và công việc. Những thiết kế của MONO dễ mặc, dễ phối, vừa chỉn chu khi đi làm vừa độc đáo khi đi chơi. Đó chính là lý do người ta có thể dễ dàng nhận ra “một cô nàng MONO” trên một con phố tấp nập.


Yêu vẻ đẹp của sự không hoàn hảo, con người sẽ tìm được về với chính cá tính nguyên bản, tìm được sự cân bằng và thoải mái trong cuộc sống thay vì luôn chạy theo sự chỉn chu sắp đặt. Những thông điệp này được thể hiện một cách sinh động qua những chi tiết can chắp ấn tượng của nghệ thuật mosaic. Đôi khi là chút nhấn nhá ở tay, vai, khi lại ôm trọn cả thân áo, váy.

Để tạo ra một sản phẩm mosaic hoàn chỉnh, MONO phải qua quá trình thử nghiệm nhiều lần, thay đổi hàng chục, hàng trăm mảnh can chắp cho đến khi đạt được kết quả ưng ý. Cùng là ghép vải, nhưng MONO ứng dụng nhiều cách can chắp trong thiết kế của mình. Có mẫu can vuông ngay ngắn, có mẫu can bất đối xứng ngẫu hứng, có mẫu can xương cá mới lạ...

Đặc biệt, những chi tiết vải can của MONO đều được tận dụng từ những chi tiết vải dư trước đó. Chỉ cần được đặt đúng chỗ, một miếng vải dù nhỏ cũng có thể tìm thấy giá trị của mình, như trở thành điểm nhấn rất xinh trên túi áo sơ mi hay là một phần trong thiết kế can toàn thân ấn tượng. Khách hàng yêu dòng mosaic của MONO không chỉ ở vẻ đẹp của nghệ thuật can chắp, mà còn ở vẻ đẹp đằng sau chi tiết ấy. Đó là vẻ đẹp của sự tỉ mỉ thủ công và tình yêu với môi trường, với thời trang bền vững.

Câu chuyện của những “cái chạm”


“Cái chạm” đầu tiên của MONO chính là chất liệu vải sợi hoàn toàn tự nhiên được lựa chọn theo quan điểm “mùa nào thức nấy”

Với mùa hè – thu, MONO lựa chọn vải linen bởi đây là chất liệu có độ thoáng khí cao, mang lại sự thoải mái và tự tin cho người mặc. Đặc điểm khác của vải linen mà nhiều người có thể chưa biết, đó là khi được mặc lên người hay được treo lên, sợi linen sẽ duỗi dần ra và trả lại vẻ phẳng phiu vốn có.

Nhiều khách hàng lựa chọn gắn bó với MONO cho biết đến với MONO vì “cái chạm” của vải sợi tự nhiên, một cảm giác rất riêng mà chỉ ở chất liệu này mới có. Vải sợi tự nhiên, lớp vải nhìn bên ngoài tưởng thô đanh mà mặc lên mềm mại đến lạ.




Với mùa đông, MONO thể hiện sự sáng tạo cùng chất liệu nhung bông (nhung cotton) độc đáo. Nhung bông vừa mềm mại vừa ấm áp, có độ thoáng khí nhất định, nên dù khoác nhiều lớp vẫn không thấy bí bách khó chịu.

“Cái chạm” thứ hai đó là quy trình sản xuất hoàn toàn thủ công ở tất cả các khâu như cắt vải, can chắp, thêu tay cũng như việc tận dụng những nguyên liệu thừa để làm các phụ kiện thời trang như những chiếc cúc mộc mạc, chiếc tai vải, dây vải tự rút tay nhằm giảm bớt một phần rác thải ra môi trương trong hành trình theo đuổi thời trang bền vững.Đặc biệt, mỗi phiên bản đều chỉ có một số lượng giới hạn, bởi MONO đi theo triết lý không cần quá nhiều mà chỉ cần vừa đủ để thể hiện màu sắc bản thân người mặc và hạn chế tác động tới trái đất./.

Mộc Phiên -một sự kiện do MONO tổ chức hàng năm. Ảnh: MONO cung cấp

Đặc biệt, mỗi phiên bản đều chỉ có một số lượng giới hạn, bởi MONO đi theo triết lý không cần quá nhiều mà chỉ cần vừa đủ để thể hiện màu sắc bản thân người mặc và hạn chế tác động tới trái đất./.

Bài: Thảo Vy  Ảnh: Khánh Long/Báo ảnh Việt Nam & Tư liệu



Top