Miến dong Bắc Kạn
Do có lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ưu đãi, giống cây dong riềng (nguyên liệu làm miến dong) trồng ở Bắc Kạn phát triển tốt, lại được cộng hưởng bởi chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển của tỉnh, sản phẩm miến dong Bắc Kạn đã có mặt rộng khắp trị trường trong nước và xuất khẩu đi Châu Âu.
Người có công đầu đưa nghề trồng và chế biến miến dong ở Bắc Kạn đi vào bài bản chính là nguyên Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khi ông làm Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn. Khi đó, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Cường đã nhận ra tiềm năng của miến dong Bắc Kạn và chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương quyết liệt vào cuộc. Từ đó, việc trồng và chế biến miến dong ở Bắc Kạn đã có những bước đi đầu tiên hướng tới sản xuất hàng hóa bền vững. Giai đoạn 2015-2020, Bắc Kạn xây dựng được vùng nguyên liệu dong củ ổn định với mục tiêu khép kín chuỗi giá trị đến sản phẩm cuối cùng là miến dong, không trồng dong với mục đích bán củ dong và tinh bột ra ngoài tỉnh.
Tại xã Phúc Lộc (huyện Ba Bể), cây dong riềng được trồng chủ yếu tại 5 thôn vùng cao Nà Ma, Phiêng Chỉ, Phja Phạ, Cốc Muồi, Cốc Diển và đang trở thành cây trồng đem lại nguồn thu nhập khá cho bà con. Những năm 2017 - 2018, giá bột dong riềng tăng cao, nhiều hộ dân có thu nhập 400 - 500 triệu đồng từ trồng dong riềng và mua được đất để chuyển nhà từ trên núi xuống ở trung tâm xã.
Theo Chủ tịch UBND xã Phúc Lộc Nông Văn Nhược, so với cây lúa, ngô, những năm gần đây, cây dong riềng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần và đang trở thành cây trồng thế mạnh của xã. Chính vì vậy, năm 2022, toàn xã trồng được 95,7 ha dong riềng, tăng 30 ha so với năm 2021; toàn xã hiện có 39 hộ chế biến tinh bột dong riềng.
Với tiềm năng, lợi thế về đất, điều kiện khí hậu để phát triển cây dong riềng, UBND tỉnh đã lựa chọn cây dong riềng là một trong những cây trồng chính và sản phẩm miến dong là sản phẩm chủ lực của tỉnh. Hiện nay, củ dong riềng nguyên liệu được trồng tại 73 xã thuộc 7 huyện của tỉnh Bắc Kạn với diện tích 445 ha. Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh phấn đấu diện tích trồng dong riềng ổn định 800 - 1.000 ha/năm, sản lượng đạt 59.000 tấn.
Với mục tiêu đó, Bắc Kạn đã sử dụng nguồn lực các chương trình khác nhau để đầu tư hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất, tiêu thụ hơn 1.000 tấn miến đem lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Cùng với đó, tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng, cải thiện bao bì, mẫu mã và xúc tiến thương mại để sản phẩm miến dong Bắc Kạn ngày càng được khẳng định thương hiệu trên thị trường. Đến năm 2022, Bắc Kạn đã có hơn 50 cơ sở chế biến miến dong, trong đó, có những cơ sở có quy mô nhà máy khép kín.
Thông qua trao đổi, làm việc với Đại sứ quán Việt Nam và Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc, tỉnh Bắc Kạn đã nắm bắt được nhu cầu, khả năng đáp ứng thị trường châu Âu. Tỉnh đã thống nhất lựa chọn Hợp tác xã Tài Hoan, xã Côn Minh, huyện Na Rì làm đối tác xuất khẩu miến sang châu Âu và dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ Hợp tác xã này hoàn thiện nhà máy chế biến. Tỉnh hỗ trợ 2 tỷ đồng để Hợp tác xã mua sắm máy móc, trang thiết bị, nhà phơi miến... Công suất chế biến của nhà máy từ chỗ chỉ khoảng 10 tấn miến/năm đã nâng lên tới hơn 300 tấn/năm.
Giám đốc Hợp tác xã Miến dong Tài Hoan Nguyễn Thị Hoan cho biết, tháng 8/2020, Hợp tác xã đã xuất khẩu đợt một 5,3 tấn miến dong sangSéc với tổng giá trị đơn hàng gần 15.000 USD. Tháng 5/2021, đơn vị tiếp tục xuất khẩu thêm 10,5 tấn miến dong sang thị trường Séc với tổng giá trị đơn hàng hơn 29.000 USD. Trong năm 2022, Hợp tác xã Tài Hoan xuất khẩu thêm gần 10 tấn miến dong nữa sang châu Âu.
Cho đến nay, miến dong của Hợp tác xã Tài Hoan là sản phẩm duy nhất của Bắc Kạn đạt chứng nhận OCOP 5 sao cấp quốc gia. Việc một hợp tác xã của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng xa có thể đưa sản phẩm đến thị trường khó tính châu Âu đã tạo ra “cú huých” rất lớn cho nghề trồng, chế biến miến dong của Bắc Kạn./.
- Bài và ảnh: An Thành Đạt
- Kỹ thuật, đồ họa: Trang Nhung