MEDDOM – Trung tâm đầu tiên lưu giữ tư liệu các nhà khoa học Việt Nam

MEDDOM – Trung tâm đầu tiên lưu giữ tư liệu các nhà khoa học Việt Nam

Với sứ mệnh ghi lại tiến trình lịch sử nền khoa học, lịch sử các ngành khoa học từ những năm đầu thế kỷ XX cho đến nay, MEDDOM (Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam) hiện đã lưu trữ được hơn 1 triệu đầu tư liệu hiện vật (TLHV) của hàng trăm nhà khoa học Việt Nam (năm 2022). Đây là Trung tâm duy nhất và đầu tiên ở Việt Nam có chức năng nghiên cứu, bảo tồn và lưu giữ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể thông qua tư liệu hiện vật cá nhân, hồi ức của các nhà khoa học Việt Nam.

Toàn cảnh Công viên di sản MEDDOM Park. Ảnh: Tư liệu MEDDOM 

Lý do ra đời của một trung tâm chưa có tiền lệ ở Việt Nam…

“Giữ gìn di sản các nhà khoa học vì quá khứ, cho hiện tại và tương lai. Từ xã hội hiểu sự đóng góp của các nhà khoa học, các ngành khoa học với công cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc, xây dựng đất nước, đến tôn trọng vai trò của khoa học trong cuộc sống. Từ đó làm cho thế hệ trẻ dấn thân vào khoa học, để sáng tạo, để phục sự xã hội, phục sự tổ quốc”, PGS Nguyễn Văn Huy, giám đốc chuyên môn chia sẻ về sứ mệnh của MEDDOM, một mô hình trung tâm đầu tiên tại Việt Nam do GS Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIV, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu Trung ương sáng lập.


Cũng theo PGS Nguyễn Văn Huy, di sản các nhà khoa học Việt Nam là vốn quý của quốc gia, trước hết mang giá trị lịch sử. Câu chuyện cuộc đời của các nhà khoa học Việt Nam cũng những tư liệu- hiện vật phong phú trong cả cuộc đời họ là tư liệu lịch sử góp phần khắc họa bức tranh nền khoa học của đất nước. Các nhà nghiên cứu lịch sử có thể tìm thấy trong di sản của các nhà khoa học những tư liệu gốc liên quan đến nhiều sự kiện của đất nước, của một ngành khoa học hoặc một cơ quan, đơn vị.

Về mặt giá trị khoa học, có những công trình, sáng kiến, phát minh của các nhà khoa học Việt Nam không chỉ có giá trị ở thời điểm đương thời mà còn hữu ích làm tiền đề cho đến ngày hôm nay. Ví dụ như nghiên cứu về vận trù học mà GS Hoàng Tụy khởi đầu từ những năm 60 của thế kỷ trước, đến nay, nhiều lĩnh vực trên thế giới và Việt Nam áp dụng lý thuyết vận trù học này vào các ngành như: Truyền thông, GTVT, GD&ĐT, Y tế, Nông nghiệp,…

Di sản các nhà khoa học Việt Nam còn chứa đựng giá trị văn hóa to lớn, thông qua những câu chuyện về cội nguồn gia đình, dòng họ, quá trình học tập, phương pháp nghiên cứu, điều kiện sống và làm việc, con đường thành công hay những kinh nghiệm, bài học của họ đều mang bản sắc của lịch sử, con người Việt Nam.


Cuối cùng đó là tự thân các di sản đó mang giá trị giáo dục sâu sắc. Dù là kinh nghiệm thất bại hay thành công, những câu chuyện cuộc đời của các khoa học đều để lại những bài học về thế giới quan, nhân sinh quan cho thế hệ sau. Từ đó, các nhà giáo dục sẽ truyền cảm hứng về giá trị sống từ nhân cách, tư tưởng, tình cảm và cuộc đời, cống hiến, sáng tạo của các nhà khoa học Việt Nam. Trong những giá trị đó, có giá trị chung của nhân loại, có giá trị mang đặc thù con người Việt Nam như lòng yêu nước, tính cần cù và đam mê cống hiến.

Du khách chụp ảnh kỷ niệm tại tòa nhà MEDOOM Park. Ảnh: Tư liệu MEDDOM 

Bảo tàng về những câu chuyện chân thực của các nhà khoa học Việt Nam

PGS Nguyễn Văn Huy cho biết, đây là một tổ chức, hoạt động mới chưa có tiền lệ ở Việt Nam, nên phải trải qua nhiều lần điều chỉnh, mở rộng. MEDDOM hiện đã xây dựng được môt hình mới, độc đáo và duy nhất ở Việt Nam, gồm 2 thực thể là Trung tâm di sản và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam hiện đã có hơn 1 triệu đầu tư liệu, hiện vật của hàng trăm nhà khoa học, đồng thời thiết lập khoảng 5000 hồ sơ của các nhà khoa học làm cơ sở cho công tác nghiên cứu, sưu tầm.


Các tài liệu lưu giữ tại Trung tâm đa dạng về loại hình, phong phú về thể loại, cụ thể: bản thảo nghiên cứu, sổ ghi chép, nhật ký, hồi ký, thư từ, văn bản hành chính, ảnh tư liệu,… Bên cạnh đó là hệ thống dữ liệu ghi âm, ghi hình, ảnh chụp hành triệu phút ghi âm, hình ảnh về ký ức các nhà khoa học.

MEDDOM hướng tới mô hình đa chức năng, bao gồm 1 bảo tàng, 1 trung tâm lưu trữ và một thư viện về các nhà khoa học Việt Nam. Công viên Di sản (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) trực thuộc MEDDOM từ khi thành lập đã đón hàng trăm nghìn lượt khách thăm quan từ mọi miền tổ quốc. Các hạng mục công trình với kiến trúc độc đáo đang và sẽ trở thành điểm điển độc nhất vô nhị ở Việt Nam.

Năm 2021, Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam được thành lập. Đây là bảo tàng đầu tiên về khoa học và các nhà khoa học Việt Nam. Bảo tàng đã trưng bày tiến trình lịch sử khoa học khoảng 100 năm qua, các thế hệ nhà khoa học Việt Nam với những đóng góp cho khoa học và cuộc sống.


Bảo tàng là nơi lưu giữ bài bản, khoa học đối với tư liệu vật thể, phi vật thể/ký ức, tiếng nói khoa học, tiếng nói người làm khoa học trong lịch sử nền khoa học hiện đại của Việt Nam.

PGS Nguyễn Văn Huy khẳng định, Di sản các nhà khoa học Việt Nam là một loại hình di sản phức hợp giữa di sản tư liệu, di sản ký ức và di sản văn hóa. Nó cần được bảo tồn, lưu giữ và có một vị trí xứng đáng trong lĩnh vực di sản, đồng thời cần có những cách thức để mang giá trị của di sản này đến các thế hệ tương lai./. 

Các hạng mục công trình với kiến trúc độc đáo đang và sẽ trở thành điểm đến độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Ảnh: Tư liệu MEDDOM 

Bài: Thảo Vy - Ảnh; Việt Cường & Tư liệu MEDDOM/Báo ảnh Việt Nam


Top