Lucian Rodriguez Lovell với đam mê sản phẩm thủ công bằng công nghệ AR

Lucian Rodriguez Lovell với đam mê sản phẩm thủ công bằng công nghệ AR

Lucian Rodriguez Lovell hiện là nghiên cứu sinh, giảng viên Thiết kế, Đại học RMIT tại Việt Nam. Trong lĩnh vực sáng tạo đương đại, các thực hành của Lucian xoay quanh chủ đề trò chơi thực tế hỗn hợp, thiết kế trải nghiệm kỹ thuật số thử nghiệm, các quy trình xử lý hình ảnh từ vật lý đến 3D. Từ đây anh sáng tạo những sản phẩm giúp cộng đồng trải nghiệm các sản phẩm thủ công truyền thống Việt như làm lồng đèn, làm bánh chưng, trò chơi khám phá lịch sử Việt... trên nền công nghệ hiện đại.

Lucian Rodriguez Lovell, người thiết kế các sản phẩm thủ công Việt Nam trên các nền tảng AR và VR.

Lucian Rodriguez Lovell là nhà nghiên cứu và Nhà phát triển XR (gồm cả thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) và thực tế hỗn hợp (MR) có trụ sở tại Naarm, Melbourne, Úc. Sang Việt Nam theo học chương trình đào tạo tiến sĩ, Lucian Rodriguez Lovell đã có nhiều hoạt động cộng đồng để lan tỏa vẻ đẹp các sản phẩm thủ công Việt Nam khi thiết kế trên các nền tảng XR. Gần đây nhất, anh tham gia Liên hoan lễ hội thiết kế sáng tạo 2023 với chủ đề “Di sản tương lai: Trí tuệ sáng tạo và tác động tới di sản tương lai tại Việt Nam”. Lucian Rodriguez Lovell hướng dẫn giới trẻ Việt Nam làm đèn lồng với công nghệ AR mang thông điệp: “Gìn giữ quá khứ qua thực hành của tương lai”. Từ đây anh dẫn dắt mở ra một hành trình khám phá mối giao thoa đầy mê hoặc giữa truyền thống và đổi mới thông qua thiết kế các sản phẩm thủ công truyền thống.


Là một nhà thiết kế dày dặn kinh nghiệm, anh Lucian Rodriguez Lovell gợi mở những ý tưởng mới về bảo tồn các tập quán văn hóa Việt Nam trong thời đại chuyển đổi số. Lucian Rodriguez Lovell đưa người tham gia đi từ A tới Z trong quy trình trang trí đèn lồng bằng phương pháp thủ công kết hợp với công nghệ kỹ thuật số 3D. Người tham gia sẽ học cách tích hợp đèn lồng vào hệ thống AR với một số trò chơi đơn giản với đèn lồng.


Cùng với nhà thiết kế Bùi Quỳnh Như, Lucian Rodriguez Lovell tập trung vào Bảo vệ Di sản phi vật thể Việt Nam thông qua thực hành AR. Các bạn trẻ tại Hà Nội đã sáng tạo đèn lồng bằng công nghệ AR và trưng bày các sản phẩm đã hoàn thiện.

Để mang lại trải nghiệm độc đáo và tăng khả năng gợi nhớ ở hình ảnh đèn lồng, Lucian Rodriguez Lovell sử dụng công nghệ AR biến những hộp bánh, chiếc đèn lồng thành công cụ kể chuyện theo cách sáng tạo và văn hóa. Nhờ đó, câu chuyện dân gian giản dị khoác lên mình “chiếc áo” trẻ trung, hiện đại nhưng lại rất truyền thống.

Các bạn trẻ đã vẽ hình những con vật như con cá, con thỏ, chú Cuội, chị Hằng, con trâu, ánh trăng theo đúng cảm nhận của mình và khi được học công nghệ AR mà Lucian Rodriguez Lovell hướng dẫn. Sản phẩm của các bạn chuyển động lung linh và di chuyển ở thực tế thật khiến sản phẩm đèn lồng thiết kế hoàn hảo hơn.

Còn với chiếc bánh chưng, một hình ảnh thân thiết với người Việt Nam cũng được Lucian Rodriguez Lovell thiết kế truyền tải một cách gần gũi. Anh hướng dẫn sinh viên cách bố cục hình ảnh, cách tạo hiệu ứng và làm ra sản phẩm bánh chưng công nghệ ảo sinh động và đầy màu sắc của Tết cổ truyền.



 

Lucian Rodriguez Lovell cho biết: “Việt Nam là quốc gia có nhiều nét đẹp văn hóa dân gian trong các sản phẩm thủ công truyền thống. Hiện nay, thiết kế sáng tạo bằng công nghệ AR đang là một xu hướng mà các sự kiện hướng đến để mang lại cho người xem sự trải nghiệm đa dạng thực tế ảo. Làm chủ được công nghệ này, các bạn trẻ Việt Nam có một sự hướng nghiệp tốt cho nghề nghiệp của mình trong ngành công nghiệp sáng tạo của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng”./.

Bài: Bích Vân - Ảnh: Thanh Giang


Top