Lễ rước kiệu quay làng Giang Cao

Lễ rước kiệu quay làng Giang Cao

Lễ rước kiệu quay làng Giang Cao, xã Bát Tràng, Hà Nội được mở hội trong hai ngày 15 và 16 tháng 2 âm lịch hàng năm, nhẳm tưởng nhớ công ơn các vị thần được tôn là Thành Hoàng làng.   

Lễ hội được diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi, rộn ràng như lễ rước cờ thần, rước kiệu nước, lễ dâng hương, nhưng màn rước được chờ đợi nhất là màn rước kiệu quay các vị Thành Hoàng làng.

Người dân thôn Giang Cao dự lễ rước kiệu các vị Thành Hoàng làng.

Đình Giang Cao thờ bốn vị thiên thần là Phùng Sơn, Phùng Di, Hải Nương và Tỷ Nương. Thường ngày các vị được thờ trang nghiêm trong cung cấm ở đình, nhưng vào ngày hội bát hương thờ các vị thần sẽ được rước đi quanh làng.

Làng Giang Cao xưa là vùng thuần nông nên theo truyền thống trong ngày hội sẽ có rước nước. Đoàn rước đi từ đình, lên thuyền ra giữa dòng để lấy nước sạch, tinh khiết mang về đình để thờ. Đây là nghi thức nhằm biết ơn các vị thần đồng thời là ước mơ nguyện vọng của dân làng cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu.

Màn rước kiệu thánh trong ngày hội làng Giang Cao được mọi người mong mỏi nhất
vì ngoài sự độc đáo, hấp dẫn trong cách thức rước kiệu và chỉ diễn ra 1 lần trong năm.

Ngày đầu hội dân làng sẽ trải chiếu hoa, xịt nước thơm rồi đặt kiệu rước ngay ngắn trước cửa đình Giang Cao. Sau khi làm lễ dân làng kính cẩn rước bát hương cùng đồ thờ 4 vị thần từ cung cấm ra đặt lên kiệu son, bát hương và đồ thờ trên kiệu được cố định chắc chắn.


Đến giờ tốt, 8 thanh niên khỏe mạnh, khôi ngô tuấn tú nâng kiệu thánh lên vai. Từ lúc này kiệu sẽ không được chạm đất, ngoại trừ lúc quay lại nghỉ ngơi trên chiếu hoa tại sân đình. Kiệu thánh được rước theo cách rất đặc biệt, giữa những nhịp rước khoan thai, cỗ kiệu lớn thoắt tiến, thoắt lui, lúc quay tròn, lúc chạy vùn vụt trên đường rất linh hoạt và uyển chuyển. Theo cách di chuyển này kiệu thánh từ đình di chuyển trên đường làng rồi ghé qua những địa điểm quan trọng như: chùa, đài tưởng niệm liệt sĩ, trường học. Trong tiếng nhạc lễ và tiếng reo hò của người xem, các chàng trai rước kiệu chao đảo, lên cao, xuống thấp liên tục như bay lượn tạo nên một không khí vô cùng hồ hởi, vui tươi.

Cứ thế trong ngày khai hội mọi người sẽ rước kiệu thánh đi khắp các con đường quanh làng đến tận tối muộn mới quay lại sân đình. Tại đây người dân làm lễ rồi rước đồ thờ ra khỏi kiệu vào lại cung cấm.


Làng Giang Cao còn thờ 2 vị thánh tại đền thờ lớn nằm sát bờ sông Hồng nên sáng ngày hôm sau đoàn rước kiệu sẽ ra đó. Người ta lại làm các thủ tục để rước 2 vị Thành Hoàng hoàng lên kiệu. Đoàn rước di chuyển ngược từ bờ sông về từng con ngõ trong không khí náo nhiệt, rộn ràng kéo dài đến tận quá trưa.

Ông Nguyễn Thành Nam trú tại xóm 2 Bát Tràng chia sẻ: "Là người Bát Tràng, năm nào tôi cũng đi hội Giang Cao, hội làng có lễ rước kiệu quay rất hấp dẫn. Tôi cũng như nhiều người quan niệm kiệu rước quay càng lâu, càng bay thì đó là dấu hiệu của một năm vui vẻ và gặp nhiều may mắn”.

Kiệu thánh bất chợt được rước quay vòng trước đám đông dự hội.

 Bài và ảnh: Việt Cường


Top