Lễ rước dâu của người Giáy

Lễ rước dâu của người Giáy

Lễ cưới của người Giáy là một sự kiện trọng đại, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời mỗi cặp đôi. Mỗi nghi thức truyền thống trong ngày cưới không chỉ mang ý nghĩa sâu sắc mà còn thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên, đề cao giá trị của gia đình và hướng đến một cuộc sống hôn nhân bền vững. Đặc biệt, lễ rước dâu của người Giáy có sự kết hợp sinh động giữa trang phục truyền thống, âm nhạc, và những lời hát dân ca. Tất cả làm nổi bật nét đẹp của các nghi thức rước dâu truyền thống trong lễ rước dâu người Giáy.

Người Giáy rất coi trọng chuyện hôn nhân, sự nối dõi dòng tộc.

Phong tục cưới hỏi của người Giáy, được truyền qua nhiều thế hệ, mang ý nghĩa sâu sắc trong đời sống tinh thần. Trước ngày rước dâu, hai họ đã thực hiện các lễ dạm ngõ, lễ so tuổi và lễ ăn hỏi. Vào ngày cưới, đoàn nhà trai sẽ đến nhà gái làm lễ rước dâu.

Trước khi xuất phát, chú rể khoác lên mình chiếc áo dài truyền thống, đeo chéo hai tấm vải đỏ nổi bật, đội mũ đen và che ô đen tạo nên vẻ đẹp trang trọng. Điểm nhấn trong trang phục là chiếc khăn màu hồng chú rể cầm trên tay. Đây là biểu tượng cho may mắn và hạnh phúc được các bà trong gia đình trao cho chú rể. Các bà mối, cùng người thân chú rể đều chọn diện những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất cho ngày trọng đại.

Chú rể chỉ được vào nhà gái khi dải vải đỏ được hạ xuống.
 


Đến giờ đẹp, đoàn đón dâu khởi hành từ nhà trai và mang các đồ thách cưới đến nhà gái. Đi trong nhóm đầu có đội kèn pí kẻo. Đội kèn có 5 người: hai người thổi kèn đồng, một người đánh chũm choẹ, một người đánh trống, và một người lắc chuông. Đoàn rước đi trong âm thanh réo rắt, luyến láy của những bản nhạc vui tươi của đội pí kẻo lan tỏa không khí vui tươi để tất cả mừng vui, cùng chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ.

Đến cổng nhà gái, đoàn người dừng lại trước một sợi dây đỏ buộc chắn ngang cổng. Những bà mối bên nhà gái đã đứng chờ trước một chiếc bàn có đặt những bát nước hồng và những chén rượu. Nhạc pí kẻo ngừng lại nhường chỗ cho màn hát đối dân ca. Các bà mối hai bên sẽ hát đối đáp qua lại. Thỉnh thoảng họ sẽ vẩy nước chúc phúc cho mọi người. Màn hát đối kéo dài khoảng vài phút cho đến lúc nhà gái hài lòng mà gỡ bỏ dải dây đỏ kết thúc nghi thức mở cồng. Các bà mối cùng nâng chén rượu mừng rồi trao phong bì cùng sính lễ rồi xin phép vào nhà gái.


Sau khi thực hiện các thủ tục xin dâu, đôi vợ chồng trẻ lên đường trở về nhà trong tiếng nhạc luyến láy vui tươi.
 
Trong nhà gái, cô dâu được trong trang phục truyền thống, đầu quấn chiếc khăn vuông phối nhiều màu, phía ngoài trùm thêm một chiếc khăn màu đỏ che kín mặt đứng đợi. Nhà trai khi vào sẽ thực hiện nghi thức truyền thống thắp hương xin phép được xin dâu. Sau phần lễ, nhà gái sẽ mở tiệc mừng. Mọi người chúc mừng cô dâu chú rể bằng những chén rượu ngô ấm nồng. Đặc biệt họ sẽ hát mừng qua những câu hát đối có nội dung nhắc nhở đôi uyên ương về ý nghĩa của gia đình và cách ứng xử trong cuộc sống chung. Sau tiệc mừng, cô dâu cùng chú rể ra trước bàn thờ cúi lạy tổ tiên và xin phép ra về.
 

Đoàn rước dâu trở về trong không khí vui tươi hơn. Đôi vợ chồng trẻ và mọi người bước đi trong tiếng nhạc kèn réo rắt, nhịp nhàng hòa cùng tiếng trống vang. Những điệu nhạc truyền thống của đội kèn pí kẻo ấy như gói trọn niềm vui và hạnh phúc, lan tỏa khắp không gian, khiến lòng người mọi phấn chấn. Dọc đường đi, thi thoảng những câu hát đối đáp vang lên. Những lời ca chân thành và hóm hỉnh như lời chúc phúc và lời dặn dò dành cho đôi uyên ương. Không khí lễ rước dâu tưng bừng, náo nhiệt, nhưng cũng đầy ấm áp và thân tình, tạo nên lễ rước dâu độc đáo, đẹp đẽ và đáng nhớ của người Giáy./.

  • Bài và ảnh: Việt Cường/Báo ảnh Việt Nam

 




Top