Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn
Từ lâu, lễ Nhảy lửa đã trở thành một nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa, tâm linh của người Pà Thẻn (sống ở 2 tỉnh Hà Giang và huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang). Lễ hội Nhảy lửa đã thể hiện niềm tin của họ vào thế giới thần linh, những thế lực siêu nhiên và sức mạnh phi thường của con người để vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.
Theo quan niệm của người Pà Thẻn, tổ chức lễ Nhảy lửa nhằm tạ ơn trời đất, thần linh đã cho một mùa vụ tươi tốt, cầu chúc cho mọi sự may mắn, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đồng thời xua tan những gì không tốt đẹp đống lửa sẽ mang lại sự ấm áp, may mắn xua đi cái khắc nghiệt của mùa đông đang tới. Đây là nét sinh hoạt văn hóa truyền thống trong cộng đồng của dân tộc Pà Thẻn, minh chứng cho sức mạnh, quá trình lao động, chế ngự thiên nhiên để sinh tồn và phát triển. Không chỉ có ý nghĩa gắn kết cộng đồng mà còn bảo tồn, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống từ đời này qua đời khác của người Pà Thẻn, tạo nên nét đặc trưng riêng của dân tộc.
Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn (sống ở 2 tỉnh Hà Giang và huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang) thường được tổ chức hàng năm lúc giao thời năm cũ và năm mới, vào dịp thu hoạch vụ mùa (khoảng 16 tháng Mười đến ngày rằm tháng Giêng âm lịch). Nghi lễ được tổ chức ở một khoảng sân, nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở thôn, xã và chia làm hai phần: nghi lễ cúng trước khi mặt trời lặn diễn ra khoảng 3 - 4 tiếng và nhảy lửa sau khi trời tối diễn ra trong khoảng 1 tiếng.
Khi trời về tối, thầy mo sẽ làm lễ mời thần linh và "âm binh" tới tham gia lễ hội và nhập vào các học trò. Thầy ngồi trên một chiếc ghế dài để cúng thần linh, tay cầm que sắt gõ vào một thanh sắt phía dưới ghế, phát ra những âm thanh gấp gáp liên tục trong khoảng 4 giờ đồng hồ. Trước mỗi buổi lễ, thầy mo cúng khấn thần linh phù phép cho những người đàn ông Pà Thẻn có được sức mạnh phi thường để "khiêu vũ" trong đống lửa.
Sau khi lễ cúng mời thần linh hoàn tất sẽ là nghi lễ Nhảy lửa. Đống lửa to đã được đốt sẵn cháy thành than đỏ rực, những thanh niên tham gia nhảy lửa sẽ thay nhau nhảy vào đống than hồng, dùng cả tay và chân trần để phá cho tới khi tàn lửa. Điều đặc biệt, sau khi nhảy vào lửa, chân tay của họ không hề bị bỏng, đau đớn hay trầy xước.
Anh Phù Văn Quý, người tham gia nhảy lửa chia sẻ: “Khi nhảy vào lửa tôi nhắm mắt, toàn bộ cơ thể lạnh toát và rung lên, tôi không biết gì nữa và như được thần dẫn đi nên bản thân tôi không biết là đang lao vào đống lửa, cho đến khi cảm nhận hơi nóng cần phải ra khỏi đống lửa tôi chạy ra, khi ra ngoài tôi lại thấy toàn thân lạnh, người rung lên tôi lại lao vào lửa.. cứ như thế lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến khi than hồng tàn. Khi chạy ra ngoài tôi vẫn nhìn thấy người xem, nhưng bé tí, bé lắm”.
Sau khi đống lửa tàn, thầy mo chiêu mộ các học trò về lại hàng chiếu phía sau để kết thúc buổi lễ. Họ cảm ơn các vị thần đã tới dự lễ chung vui cùng dân làng, cầu mong các vị thần phù hộ cho dân làng được ấm no, mạnh khỏe, hẹn lần nhảy lửa sau sẽ lại mời các thần xuống tham gia.
Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn diễn ra hàng năm, nhằm tôn vinh bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, đẩy mạnh khai thác tiềm năng di sản văn hóa cội nguồn, phục vụ phát triển du lịch địa phương./.