Lễ hội Chá Mùn của người Thái đen
Lễ hội Chá Mùn là một trong những lễ hội dân gian, văn hóa tín ngưỡng rất quan trọng của người Thái đen tại xã Yên Thắng (Lang Chánh, Thanh Hóa). Dự lễ hội Chá Mùn người dân trong bản phấn khởi, vui vẻ với các hoạt động sinh hoạt cộng đồng sôi nổi. Đối với các thày mo đây là dịp để tổng kết quá trình 3 năm làm nghề hái thuốc, trị bệnh cứu người.
Theo tương truyền của người Thái đen ở Yên Thắng thì xa xưa con người ở trần gian (Mường Lúm) bị dịch bệnh, không phương thuốc cứu chữa, tổ tông người Thái đen đã cử người lên Mường trời cầu cứu Pó Then (ông Then - người cai quản Mường trời theo tâm linh của người Thái). Pó Then đồng ý và cho mở cổng trời, thả xuống trần gian một sợi lụa dẫn đường cho quân lính xuống giúp trần gian diệt trừ ma tà, chữa trị bệnh cứu người. Con người ở Mường Lúm được cứu sống. Tổ tông người Thái đen đã cử những người có khả năng lần theo sợi lụa lên Mường trời để tạ ơn và học được bí quyết chữa bệnh. Theo lời hứa với Pó Then sau khi mỗi mo Mùn (những người đã học được bí quyết chữa bệnh) làm nghề từ 3 đến 5 năm trở lên thì phải làm lễ Chá Mùn để tạ ơn Pó Then và cũng là để giải hạn cho việc hành nghề của mình. Và từ đó, lễ hội Chá Mùn được người dân nơi đây tổ chức thường niên vào tháng 9, tháng 10 (âm lịch).
Trước ngày hội, thầy mo sẽ loan báo đến những người bệnh từng được cứu chữa chuẩn bị đồ lễ để góp vào lễ hội được tổ chức tại nhà thày mo. Người ta sẽ dựng một cây bông (tiếng Thái gọi là Bọoc mạy) giữa sân. Trên cây bông có treo đủ loài hoa, chim muông, cá, ếch, voi, ngựa … tượng trưng cho vạn vật. Boọc mạy là trung tâm của lễ hội Chá Mùn, mọi hoạt động của lễ hội đều diễn ra quanh khu vực này. Thày mo còn đặt 2 hũ rượu cần, 1 dành mời Pó Then hũ còn lại để mời khách đến dự lễ hội. Mâm lễ cúng chính được gọi là Pan thôn để dâng lên Pó Then và linh hồn các thế hệ Mo mùn đi trước. Những mâm lễ phụ còn lại để tiếp đoàn quân lính đi từ Mường trời xuống trần gian dự lễ hội Chá Mùn.
Bài, ảnh: Việt Cường/Báo ảnh Việt Nam