Lễ đấu giá đèn lồng của người Hoa ở Sóc Trăng

Lễ đấu giá đèn lồng của người Hoa ở Sóc Trăng

Sóc Trăng là vùng đất hội tụ nhiều lễ hội, sự kiện văn hóa với phong tục, tập quán độc đáo. Trong số đó, Lễ đấu giá đèn lồng của người Hoa là một trong số các hoạt động văn hóa nổi bật bởi sự độc đáo và đặc biệt hoạt động này có ý nghĩa lớn là làm thiện nguyện.

Ngày nay, những chiếc đèn lồng không chỉ được làm từ chất liệu giấy truyền thống mà người ta còn dùng nhiều loại chất liệu khác để những chiếc đèn lồng thêm rực rỡ hơn.

Theo phong tục của người Hoa ở tỉnh Sóc Trăng, vào dịp Rằm tháng Giêng hàng năm (sau các hoạt động của Lễ tết Nguyên tiêu), họ lại đến chùa ông Bổn dâng hương, xem đấu giá đèn. Đèn lồng được xem là một trong các biểu tượng của đời sống văn hóa, lễ hội và luôn hiện hữu trong đời sống của người Hoa. Người ta quan niệm ánh sáng của đèn lồng sẽ xua tan những điều không may mắn và mang lại sự an lành, bình yên, hạnh phúc. Đặc biệt, mọi người tin rằng nếu sở hữu được những chiếc đèn lồng màu đỏ trong phiên đấu giá đúng dịp Tết Nguyên tiêu nhất định sẽ mang lại cho họ rất nhiều may mắn, thuận lợi.


Những chiếc đèn lồng được đem ra đấu giá trong dịp Rằm tháng Giêng.

Những chiếc đèn lồng đem ra đấu giá do những người thợ thủ công lâu năm làm ra bằng sự tài hoa, tỉ mỉ, cẩn thận trong cách chọn màu, vẽ họa tiết trang trí, kết tua rua, uốn dây thép làm chỗ treo đèn,… Trước đây, người ta làm đèn làm bằng chất liệu giấy, khung tre. Theo thời gian, ngoài giấy truyền thống người ta còn dùng vải và nhiều loại chất liệu khác để cho chiếc đèn lồng được rực rỡ hơn. Nhưng dù cách tân đến đâu thì các hoa văn và họa tiết trang trí đều phải làm theo kiểu truyền thống với ý nghĩa nhất định. Đặc biệt mỗi chiếc đèn đấu giá còn được có thêm một câu chúc được viết theo lối viết thư pháp. Đây là điểm nhấn quan trọng tô điểm thêm cho đèn lồng thêm đẹp, thêm huyền ảo sống động và nâng cao giá trị cây đèn vì mang giá trị tinh thần to lớn.

Vào buổi đấu giá, người ta đem những chiếc đèn đặc sắc được chọn trước đặt tại vị trí trang trọng. Ngoài ra cá nhân cũng có thể đưa đèn đến để đấu giá. Người tự mang đèn đến đấu là người muốn đóng góp cho việc thiện nguyện thông qua giá trị cây đèn của mình. Ai muốn tham gia vào buổi đấu đèn sẽ đăng ký trước với ban tổ chức. Buổi đấu diễn ra theo trình tự đấu giá từng cây đèn cho đến hết số lượng đèn chuẩn bị cho năm đó. Đầu buổi đấu giá các vị có uy tín trong Hội Tương tế người Hoa sẽ nêu lên ý nghĩa của Lễ hội tết Nguyên tiêu, Lễ đấu đèn và ý nghĩa của mỗi cây đèn đấu. Sau đó họ thực hiện nghi thức dâng hương, bái tế xin phép tiến hành nghi thức đấu đèn theo phong tục xưa. Đây là phần hội hấp dẫn và gay cấn được mong chờ nhất, những người ta tham gia đấu trả giá đèn lồng cao dần lên với quan niệm nếu đấu được chiếc đèn ưng ý thì năm nay họ sẽ mang tài lộc, bình an về nhà.


Thông qua một hoạt động văn hóa có ý nghĩa, người Hoa ở Sóc Trăng mong muốn giới thiệu một trong những nét văn hóa truyền thống
độc đáo nhất của dân tộc mình với du khách tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Đấu giá đèn lồng là một hoạt động không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên tiêu của người Hoa ở Sóc Trăng. Thông qua hoạt động mang tính truyền thống, Lễ đấu đèn là dịp để cả cộng đồng người Hoa thể hiện tinh thần đoàn kết của cộng đồng. Càng có ý nghĩa hơn khi tất cả số tiền thu được từ đấu giá đều được dành cho việc làm thiện nguyện là gây quỹ tương trợ cho đồng bào nghèo, bảo trợ quỹ khuyến học và các hoạt động văn hóa, xã hội. Không chỉ là một sự kiện đặc biệt đem đến hứng khởi, Lễ đấu đèn còn là cơ hội để mọi người thêm hiểu, trân trọng văn hóa truyền thống và để cùng sẻ chia trong không khí rộn ràng trong dịp Tết Nguyên tiêu.

Mới đây, Lễ đấu đèn được tái hiện trong Chương trình Ngày hội Văn hóa - Du lịch tỉnh Sóc Trăng được tổ chức tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, thông qua hoạt động này, người Hoa ở Sóc Trăng mong muốn giới thiệu một trong những nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc mình với du khách tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam./.

  • Bài và ảnh: Việt Cường/Báo ảnh Việt Nam 
  •  

 

 


Top