Làng gốm Chăm Bình Đức

Làng gốm Chăm Bình Đức

Làng gốm Bình Đức hay còn gọi là làng gốm Gọ của người Chăm đã có từ rất lâu đời nằm tại thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Nơi đây thu hút nhiều khách phương xa tới thăm và tự tay thực hiện các công đoạn để tạo ra một sản phẩm gốm theo phương pháp cổ truyền.

Hiện nay, tại tỉnh Bình Thuận có 26 thôn của người Chăm, nhưng chỉ có người Chăm ở thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình còn làm gốm với kỹ thuật và quy trình thủ công truyền thống của cha ông họ. Theo các nghệ nhân cho biết, nghề gốm ở thôn Bình Đức có từ rất lâu, được các gia đình người Chăm nơi đây duy trì qua nhiều đời.

Để làm ra sản phẩm, người Chăm phải đến tận mỏ đất ở sông Phan, sau đó thuê xe chở về làng để sử dụng. Việc tạo hình cho sản phẩm được người Chăm giữ nguyên vẹn từ xưa cho tới ngày nay. Công cụ để tạo hình là cái bàn quay có hình dáng chiếc bàn tròn nhỏ đóng cố định, người thợ đi vòng quanh cái bàn để tạo hình sản phẩm.

 

Cách nung gốm ở Bình Đức cũng đặc biệt hơn những nơi khác. Gốm được đặt lên mặt sân, sau đó phủ rơm rạ, lá dừa khô rồi nổi lửa đốt, khi lửa tàn thì sản phẩm cũng vừa chín.

Để trang trí màu cho sản phẩm, lúc gồm vừa dỡ ra khỏi lò đang còn nóng, người thợ dùng nước chế từ trái thị vẩy lên sản phẩm, khi nguội sẽ tạo thành những đốm sao tròn màu nâu đen trông đẹp và rất lạ mắt.

Sản phẩm gốm của làng Gọ chủ yếu dùng trong sinh hoạt gia đình, như nồi cơm, nồi kho cá, bình cắm hoa, bình phong thủy, lò… mang những đường nét mềm mại, khéo léo, vừa phong phú về mẫu mã lại đa dạng về chủng loại, rất được ưa chuộng ở các thị trường Tp. Hồ Chí Minh, Phan Thiết, Bình Dương...

 

Nghệ nhân Nguyễn Thị Minh, 53 tuổi ở xóm 1, thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp cho biết, thu nhập từ nghề làm gốm cao hơn và đỡ vất vả hơn làm nông. Mỗi tháng, cơ sở làm gốm của chị Minh thu lãi 10 – 15 triệu đồng.

Hiện nay làng gốm Bắc Bình có khoảng 40 hộ và sẽ còn tăng lên theo chủ trương mở rộng làng nghề gốm của tỉnh Bình Thuận. Cho dù thế hệ trẻ ngày nay có công ăn việc làm, thu nhập cao ở các công ty, xí nghiệp, nhưng trong mỗi gia đình đều truyền nghề lại cho một thành viên để lưu truyền lại nét văn hóa cho thế hệ sau./.

Sản phẩm gốm sau khi nung được vẩy lên loại nước chế từ trái thị giúp sản phẩm có màu sắc đẹp và lạ mắt.

Bài và ảnh: Hoàng Hà


Top