Kinh tế Việt Nam: hành trình phục hồi

Kinh tế Việt Nam: hành trình phục hồi

Nghị quyết số 128 là động lực “hồi sinh” nền kinh tế

Hiếm có năm nào, nền kinh tế trải qua nhiều cung bậc cảm xúc như 2021. Cứ nhìn vào tốc độ tăng trưởng GDP theo từng quý là đủ biết điều ấy. Quý I, tăng trưởng GDP là 4,72%; quý II tăng 6,73%; quý III giảm 6,02%; và quý IV tăng 5,22%, để cả năm, con số đạt được là 2,58%.

Bởi thế, biết bao kỳ vọng đã được đặt ra cho năm 2021. Quốc hội quyết nghị mục tiêu tăng trưởng của năm 2021 là 6%, nhưng Chính phủ quyết tâm đạt được con số 6,5%, với tràn đầy hy vọng về sự phục hồi của nền kinh tế.

Nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang” như các chuyên gia kinh tế lo ngại nhất, đó là đợt dịch này đã “đánh thẳng” vào các trung tâm kinh tế lớn, các khu công nghiệp. Bắc Giang đã từng phải đóng cửa các khu công nghiệp trong một thời gian. Sau Bắc Giang là Bắc Ninh, nhưng nghiêm trọng hơn cả là TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… - những “thủ phủ” công nghiệp của cả nước.

Liên tục trong thời gian dài, các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng. Nhiều nhà máy phải đóng cửa. Chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Lao động mất việc làm, từng đoàn người hồi hương rồng rắn từ các thành phố lớn. Sức mua lao dốc thẳng đứng. Sản xuất bị tê liệt… Và điều gì phải đến đã đến. Tăng trưởng kinh tế quý III đã âm tới 6,02% (ban đầu được ước tính là 6,17%). 

“Cỗ xe kinh tế” thậm chí đã đi lùi trong nỗi lo lắng của không chỉ Chính phủ, các nhà hoạch định chính sách, mà cả người dân. Thêm một ngày giãn cách, thêm một nhà máy phải đóng cửa, là sinh kế của người dân bị ảnh hưởng.

Trước thực tế ấy, cộng thêm việc chiến dịch tiêm chủng vacxin đã đạt kết quả tích cực, Chính phủ quyết định chuyển hướng chiến lược phòng chống dịch và ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Nghị quyết ấy như một cột mốc đánh dấu sự “hồi sinh” của nền kinh tế.

Không còn ngăn sông, cấm chợ, chuỗi cung ứng đã được hàn gắn, các hoạt động sản xuất - kinh doanh bắt đầu trở lại với trạng thái bình thường mới. Tiêu dùng, dịch vụ bắt đầu hồi phục trở lại. Giải ngân vốn đầu tư công cũng thế. Nhờ vậy, cục diện nền kinh tế đã thay đổi. Cỗ xe kinh tế đã tăng tốc trở lại. Kinh tế quý IV đã bật tăng 5,22%, đưa tăng trưởng GDP cả năm đạt 2,58%.

Ngay từ những ngày đầu xuân Nhâm Dần, 100% cán bộ, công nhân Công ty TNHH Hoá dệt Hà Tây đã bắt tay vào làm việc sau kỳ nghỉ Tết. Công ty phấn đấu năm 2022 đạt sản lượng 1,8 triệu đôi giầy, dép các loại với doanh thu khoảng 320 tỷ đồng, ổn định việc làm cho 600 lao động. Ảnh: Trần Việt – TTXVN

Dù tăng trưởng kinh tế năm 2021 là thấp nhất trong hơn 3 thập kỷ Đổi mới vừa qua, song đó vẫn là thành quả của sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong năm 2021. Hơn thế nữa, còn những thành tựu cũng rất đáng ghi nhận. Đó là kỷ lục xuất nhập khẩu trên 668 tỷ USD. Là kỳ tích thu hút đầu tư nước ngoài trên 31 tỷ USD. Là thu ngân sách vẫn vượt dự toán…

Quan trọng hơn, nền kinh tế đang bước vào quỹ đạo phục hồi, dần thích ứng linh hoạt với dịch bệnh.

“Cỗ xe kinh tế 2022”: Nhiều điểm sáng triển vọng 

Chắc chắn, năm 2022, tình hình cũng sẽ không dễ dự đoán. Chỉ biết rằng, các chuyên gia kinh tế đều chung một nhận định, bước sang năm 2022, kinh tế Việt Nam tiếp tục có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen.

Ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nói rằng, năm 2022, kinh tế Việt Nam có thể lấy lại được nhịp độ tăng trưởng GDP ở mức 6,8% của năm 2020, với động lực chủ yếu đến từ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ. Còn bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhắc đến cầu nội địa, đến xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài và các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ.

Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01 và 02, về điều hành kinh tế vĩ mô và về các giải pháp chủ yếu cải thiên môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022. Từ đó, chủ đề điều hành kinh tế năm 2022 của Chính phủ là “ổn định, kỷ cương, an toàn, linh hoạt và hiệu quả”. Đấy chính là những từ khóa quan trọng cho sự phục hồi của nền kinh tế, để tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức 6%.

Cũng bởi thế, Chính phủ đang xây dựng Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023, với mục tiêu đưa nền kinh tế sớm quay lại quỹ đạo tăng trưởng cao và bền vững. Cộng đồng xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, toàn hệ thống chính trị đang trông ngóng vào sự đột phá của chương trình này.

Ngày cuối cùng của năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có phiên họp bàn về gói chính sách tài khóa, tiền tệ cho Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023. Quốc hội cũng đang họp phiên bất thường, xem xét thông qua chương trình này. Đây là yếu tố cốt tử cho sự hồi phục của nền kinh tế. Chậm triển khai một ngày, cơ hội phục hồi của nền kinh tế sẽ lặng lẽ qua đi.

Cỗ xe kinh tế 2022 đang vận hành theo Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội mà Chính phủ đang vận hành. Lần đầu tiên, nền kinh tế Việt Nam có một gói giải pháp toàn diện và quy mô lớn đến như vậy! Năm mới 2022 - năm khởi đầu của hành trình hồi phục kinh tế - đã bắt đầu được ba tháng bằng các chính sách mở cửa từng bước nền kinh tế.


  • Bài: Phong Thu tổng hợp
  • Ảnh: TTXVN 
  • Kỹ thuật, đồ họa:  Trang Nhung



Top