Khám phá báu vật Hoàng cung Thăng Long

Khám phá báu vật Hoàng cung Thăng Long

Vừa qua, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã phối hợp với Viện nghiên cứu Kinh thành tổ chức trưng bày "Báu vật Hoàng cung Thăng Long", nhằm giới thiệu tới công chúng những hiện vật tiêu biểu, đặc sắc nhất khai quật tại Hoàng thành Thăng Long từ 2002 đến nay.


Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là một phần quan trọng còn lại của Cấm thành và Hoàng thành của Kinh đô Thăng Long. Đây là kinh đô lớn và quan trọng bậc nhất của quốc gia Đại Việt, được xây dựng từ năm 1010 và tồn tại đến năm 1789, là trung tâm quyền lực của các vị vua từ triều đại Lý (1010-1225), Trần (1225-1400), Lê sơ (1427– 1527), Mạc (1527-1597) và Lê Trung hưng (1597–1789).

Được xây dựng và tôn tạo bởi nhiều triều đại, khu di sản Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội mang trong mình nhiều giá trị văn hóa đa dạng và đặc thù, là nơi hội tụ, giao thoa với các nền văn hóa lớn ở châu Á. Trải qua nhiều biển cố thăng trầm của lịch sử, những ký ức vàng son về Kinh đô Thăng Long chỉ còn lưu lại trong sử sách, tất cả dấu tích vật chất đều đã bị phá hủy, không còn tồn tại trên mặt đất.

Từ năm 2002 cho đến nay, các cuộc khai quật khảo cổ học tại khu di tích này đã tìm thấy nhiều dấu tích nền mỏng cung điện, lầu gác và hàng triệu di vật nằm dưới lòng đất. Việc tổ chức trưng bày những hiện vật là những bằng chứng sinh động phản ánh lịch sử huy hoàng của Kinh đô Thăng Long hơn một ngàn năm về trước.


Trong lòng khu di sản, các cuộc khai quật đã lấy lên từ lòng đất hàng triệu di vật khảo cổ, trong đó có rất nhiều đồ dùng, vật dụng trong Hoàng cung Thăng Long, bao gồm đồ gốm, đồ kim loại, đồ gỗ, đồ thủy tinh và các di vật quý khác...

Phát hiện quan trọng và sáng giá nhất trong số này là các sưu tập đồ kim loại quý, các loại đồ gốm sứ cao cấp do lò quan Thăng Long chế tác phục vụ cho nhà vua, vương hậu, hoàng tộc và sinh hoạt của triều đình. Như chiếc bát sứ trắng mỏng trang trí hình rồng và chữ Quan, là Bảo vật Quốc gia trưng bày ở đây sẽ cho chúng ta một cái nhìn cảm phục về trình độ công nghệ chế tác, về vẻ đẹp đỉnh cao và sang quý của những đồ sứ ngự dụng đích thực của các vua nhà Lê sơ do lò quan Thăng Long tạo tác.

Đây là hình ảnh hiếm hoi và đặc sắc nhất trong số những đồ sứ ngự dụng trong Hoàng cung Thăng Long và là hình ảnh rõ ràng và thuyết phục nhất trong việc minh chứng tài năng và trình độ kỹ thuật công nghệ chế tác đồ sứ đích thực của Việt Nam trong lịch sử. Đây đều được coi là những báu vật của Hoàng cung Thăng Long xưa.

Việc kết hợp phương pháp trưng bày tĩnh và động, sử dụng ánh sáng nghệ thuật và công nghệ trình chiếu 3D mapping đã tạo hiệu ứng hấp dẫn,
giúp công chúng cảm nhận tận cùng vẻ đẹp và giá trị đặc biệt của những báu vật hoàng cung.

Trưng bày lần này gồm ba không gian: Không gian giới thiệu các hiện vật thời Lý - Trần; không gian giới thiệu hiện vật thời Lê sơ, Mạc, Lê Trung hung và không gian phía ngoài tạo điểm nhấn với các hiện vật lần đầu tiên giới thiệu tới công chúng.

Trong trưng bày, một số loại hình đồ gốm sứ tiêu biểu, đặc sắc, đại diện cho các loại đồ dùng, vật dụng trong Hoàng cung Thăng Long được ưu tiên giới thiệu. Đây là những đồ dùng, vật dụng không thể thiếu, có vai trò rất quan trọng trong đời sống Hoàng cung, từ cuộc sống sinh hoạt thường nhật đến các yến tiệc của nhà vua và triều đình trong các dịp đại lễ, sinh nhật vua, lễ đăng quang của nhà vua...







Ngoài ra, Không gian trưng bày độc đáo, nổi bật hơn với những hình ảnh trình chiếu lên tường tái hiện cung điện nhà Lý và bức tường bao thể hiện sự tươi đẹp bốn mùa trong hoàng cung xưa.

Điểm độc đáo tại cuộc trưng bày lần này đó là lần đầu tiên công nghệ trình chiếu 3D Mapping mô phỏng lại những hoa văn độc đáo của hiện vật để khách tham quan nhận diện rõ hơn về vẻ đẹp và tính sang quý của đồ gốm ngự dụng hoàng cung Thăng Long. Việc kết hợp phương pháp trưng bày tĩnh và động, sử dụng công nghệ trình chiếu 3D mapping đã tạo hiệu ứng hấp dẫn, giúp công chúng cảm nhận tận cùng vẻ đẹp và giá trị đặc biệt của những báu vật hoàng cung.

Trải nghiệm các không gian trưng bày, người xem có thể hiểu được một phần thông điệp lịch sử, giá trị văn hóa của các loại hình di vật ở đây dù chưa nhiều như những phát hiện của khảo cổ học, nhưng sẽ phần nào cung cấp cho công chúng một cái nhìn trực quan hơn về các loại đồ dùng, vật dụng cùng với những sắc thái văn hóa rất đa dạng và riêng biệt của đời sống trong Hoàng cung Thăng Long xưa./.

Bài: Thảo Vy - Ảnh: Công Đạt/Báo ảnh Việt Nam


Top