Kết nối giao thông ASEAN hướng đến hài hòa, thân thiện với môi trường

Kết nối giao thông ASEAN hướng đến hài hòa, thân thiện với môi trường

Nằm ở vị trí trung tâm trong mạng lưới kết nối giao thông khu vực trải dài từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương, ASEAN có vị trí địa chiến lược quan trọng, là nơi có các tuyến hàng hải, hàng không huyết mạch. Các quốc gia ASEAN đã và đang nỗ lực thúc đẩy kết nối giao thông hướng đến hiệu quả, hài hòa và thân thiện với môi trường. 

Mới đây, Hội nghị Bộ trưởng Giao thông vận tải ASEAN (ATM) lần thứ 29 đã thông qua Tuyên bố chung với hàng loạt những kế hoạch nhằm tiếp tục đẩy mạnh giao thông hàng không, đường bộ, đường sắt và đường biển, như Kế hoạch tổng thể về cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động ASEAN (ấn bản thứ ba) nhằm đạt được mục tiêu về quản lý không lưu thông suốt, với mục tiêu an toàn, khả năng tương tác, tính hài hòa, môi trường, năng lực và hiệu quả cũng như tăng cường bầu trời ASEAN thông suốt làm tiền đề cho việc hình thành thị trường hàng không chung ASEAN; Biên bản ghi nhớ (MOU) về Phát triển mạng đường bộ ASEAN (AHN) và Khuyến nghị chính sách cải thiện cơ sở hạ tầng và trạm sạc xe điện (EV) trong ASEAN; Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh (AFAFGIT)…

Trong đó, những kết quả hợp tác với các đối tác đối thoại như New Zealand, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển mạng lưới giao thông kết nối ASEAN.

Đường vành đai 3 tại tỉnh Kandal của Campuchia kết nối với thủ đô Phnom Penh có tổng vốn đầu tư 464 triệu USD, có tổng chiều dài toàn tuyến 52 km, rộng tối đa 27m với 2 cây cầu bắc qua sông và 2 cầu vượt. Ảnh: TTXVN phát

Ngoài ra, tại Hội nghị Nhóm Công tác Giao thông Hàng hải ASEAN (MTWG) lần thứ 45, lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam bày tỏ hy vọng sự hợp tác sau Kế hoạch chiến lược giao thông Kuala Lumpur (KLTSP) và Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia ASEAN, tiến tới thống nhất ở mức cao nhất các tiêu chuẩn về an toàn và bảo vệ môi trường hàng hải với “Sự cam kết bảo vệ môi trường biển không ngừng nghỉ”. "Điều này vô cùng cần thiết trong bối cảnh thế giới đang chuyển dịch mạnh mẽ sang ứng dụng công nghệ hiện đại, sử dụng năng lượng mới thân thiện với môi trường trong mọi mặt của nền kinh tế - xã hội", Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Hoàng Hồng Giang nhấn mạnh. 

Singapore là quốc đảo sở hữu hệ thống hàng không, hàng hải hàng đầu thế giới. Hãng hàng không Singapore Airlines (SIA) đã đạt danh hiệu Hãng hàng không tốt nhất thế giới năm 2023; Sân bay Changi - một trong 3 sân bay 5 sao trên thế giới theo đánh giá và nghiên cứu của Skytrax, là một trong những trung tâm vận chuyển hàng không quốc tế (cảng trung chuyển hàng không) lớn nhất Đông Nam Á và là cửa ngõ rất quan trọng của châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng. Đây còn là một trong những sân bay vận chuyển hàng hóa hàng đầu thế giới với công suất khoảng hơn 2 triệu tấn hàng hóa (năm 2019). Bên cạnh đó, theo Baltic Exchange, Singapore đã có năm thứ 8 liên tiếp duy trì vị thế trung tâm vận tải biển hàng đầu thế giới.

 

Dự án đường sắt cao tốc đầu tiên tại ASEAN đã được Indonesia chính thức đưa vào hoạt động, có tổng vốn đầu tư 7,3 tỷ USD và tổng chiều dài tuyến là 142km. Đánh dấu sự phát triển của loại hình phương tiện giao thông công cộng này ở Quốc đảo theo hướng hiện đại, hiệu quả và thân thiện với môi trường. Thái Lan cũng đã hoàn tất giai đoạn cuối cùng của dự án mở rộng đường cao tốc số 12 thuộc tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC), kết nối Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam. Chính phủ Thái Lan kỳ vọng việc hoàn tất tuyến đường này sẽ giúp đẩy mạnh các hoạt động kinh tế xuyên biên giới giữa các nước trong khu vực. Trong tổng chiều dài 1.530km của EWEC, có khoảng 793km nằm trên lãnh thổ Thái Lan. 

 

Đặc biệt, giao thông vận tải hàng hải là một trong những lĩnh vực hợp tác sâu rộng của Việt Nam trong cộng đồng ASEAN. Những năm qua, để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận tải biển giữa các nước trong khối thành viên, Việt Nam đã ký kết Hiệp định Hàng hải/Vận tải Biển song phương với các quốc gia thuộc ASEAN như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia, Singapore, Brunei và Myanmar.

THACO tổ chức Lễ bàn giao 15 xe Bus THACO thương hiệu Việt Nam xuất khẩu sang Philippines qua đường vận tải biển. Ảnh: TTXVN

 ASEAN luôn coi kết nối và hội nhập là một trong những ưu tiên hàng đầu trong việc triển khai các biện pháp hiện thực hóa Cộng đồng Kinh tế ASEAN, góp phần phát huy lợi thế của một khu vực kinh tế ASEAN năng động, trung tâm và nhiều tiềm năng.

  • Nội dung: Báo ảnh Việt Nam
  • Ảnh: Báo ảnh Việt Nam, TTXVN
  • Kỹ thuật, đồ họa: Trang Nhung

 


Top