Kéo co – Di sản của ASEAN
10 năm kể từ khi được UNESCO vinh danh, cộng đồng sở hữu nghi lễ và trò chơi Kéo co vẫn đang nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản này, để di sản có sức sống bền vững trong xã hội đương đại.
Kéo co là một hình thức sinh hoạt cộng đồng đã có từ lâu đời và phổ biến ở các nước nông nghiệp trồng lúa nước ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Năm 2015, nghi lễ và trò chơi Kéo co của cộng đồng các nước gồm Hàn Quốc, Campuchia, Philippines và Việt Nam được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản Văn hóa Phi Vật thể Đại diện của Nhân loại.
Nghi lễ và trò chơi Kéo co không chỉ là trò chơi dân gian truyền thống của Việt Nam, mà còn là di sản văn hóa truyền thống của một số nước khác như: Hàn Quốc, Campuchia, Phillippines… Tùy vào mỗi quốc gia, nghi lễ và trò chơi Kéo co được tổ chức ở cấp độ toàn quốc hoặc tại các vùng nhất định trong từng nước. Đơn cử như ở Campuchia, di sản được thực hành thường xuyên bởi các cộng đồng trồng lúa nằm xung quanh Hồ Lớn (Great Lake) của Biển Hồ Tonle Sap và khu vực phía bắc Angkor, di sản thế giới được nhiều người biết đến. Ở Philippines, có Hapao Proper, Nungulunan và Baang nằm ở trung tâm của thị trấn Hungduan thuộc tỉnh Ifugao thực hành Kéo co, nơi đây nổi bật với những ruộng bậc thang rộng ngút ngàn, được ngăn bằng các vỉa đá. Trong khi đó, ở Hàn Quốc, hầu hết thị trấn ở các vùng nông nghiệp đều tổ chức nghi lễ và trò chơi Kéo co. Thực hành này đặc biệt phổ biến ở các vùng đồng bằng rộng và bằng phẳng, như Dangjin, Namhae, Milyang, Uiryeong, Changnyeong và Samcheok.
Tại Việt Nam, có 4 địa phương là Lào Cai, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và Hà Nội có di sản Kéo co được UNESCO ghi danh. Tuy nhiên, theo PGS. TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, nghi lễ và trò chơi Kéo co là di sản văn hóa vô cùng quý giá, tồn tại ở khắp cả nước, không chỉ trong cộng đồng người Kinh, còn trong các dân tộc như Tày, Dáy, mỗi nơi có một sắc thái riêng, tạo nên sự đa dạng văn hóa. Kéo co không chỉ là trò chơi hay hoạt động thể thao, còn là một nghi lễ thiêng liêng gắn kết với đời sống tinh thần, tâm linh, ước vọng tốt đẹp của cộng đồng, với những sắc thái riêng của mỗi quốc gia và mỗi vùng miền.
Trong các lễ hội cổ truyền, trò chơi Kéo co luôn thể hiện tinh thần tập thể, tính kỷ luật, sức mạnh đoàn kết của cả cộng đồng, ý chí vươn lên giành chiến thắng, rèn luyện thể chất, sức mạnh dẻo dai, sự khôn khéo và sức chịu đựng của con người, giúp con người phát triển toàn diện về trí, đức, tài, nghệ.
Kéo co là trò chơi có cách thức tổ chức, đạo cụ và sân chơi đơn giản. Một cuộc thi Kéo co có 2 đội, số lượng người đều nhau. 2 đội sẽ nắm vào một sợi dây thừng, ở điểm giữa của dây được đánh dấu bằng một dây lụa đỏ làm mốc. Khi hiệu lệnh vang lên, các thành viên của mỗi đội chơi nắm chặt hai tay vào dây, đội nào kéo được điểm đánh dấu sang phía mình là đội đó thắng cuộc.
Bên cạnh đó, nhằm tăng cường kết nối và trao đổi giữa các cộng đồng thực hành Di sản, năm 2013, Việt Nam và Hàn Quốc đã phối hợp tổ chức Liên hoan Trình diễn nghi lễ và trò chơi Kéo co tại Hà Nội, với sự tham gia của gần 500 nghệ nhân, người thực hành nghi lễ và trò chơi Kéo co đến từ các tỉnh Bắc Ninh, Lào Cai, Vĩnh Phúc, thành phố Hà Nội và thành phố Dangjin (Hàn Quốc).
Công chúng rất thích thú với màn trình diễn của các nghệ nhân Hàn Quốc. Đặc biệt, dây kéo co của họ chủ yếu được làm từ rơm/rạ và được gia cố bằng các loại nguyên liệu khác như tre, vỏ cây, sợi nylon...
“Khi được UNESCO vinh danh thì di sản này không chỉ là của riêng một cộng đồng hay riêng Việt Nam mà còn là một phần của di sản thế giới, do đó chúng ta cần gìn giữ, phát huy, liên kết các cộng đồng trong nước, từ đó kết nối với các nước khác cũng sở hữu di sản này”, PGS. TS Đỗ Văn Trụ khẳng định./.
Bài: Báo ảnh Việt Nam - Ảnh: Thông Thiện/ Báo ảnh Việt Nam, TTXVN