Hòa Thành phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường từ cây tre
Thị xã Hòa Thành tỉnh Tây Ninh nổi tiếng với nghề thủ công truyền thống từ mây tre đan, các sản phẩm từ cây tre của địa phương vừa đa dạng, vừa bền đẹp, thân thiện với môi trường nên được thị trường trong và ngoài nước ưu chuộng, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân gắn bó với nghề thủ công này suốt hơn nửa thế kỷ qua.
Những vườn tre, lồ ô, mây, nứa có nhiều từ xa xưa ở địa phương chính là nguồn nguyên liệu cơ bản để người dân hình thành nghề thủ công mây tre đan. Các phường Long Thành Trung và xã Long Thành Nam của thị xã Hòa Thành hiện nay còn khá nhiều hộ dân gắn bó với nghề thủ công này theo hướng cha truyền con nối. Đơn cử như Hợp tác xã (HTX) Mây tre số 2 Long Thành Nam có khoảng 40 hộ tham gia với 65 lao động, sản phẩm làm ra chủ yếu là cần xé, thang tre, bàn, ghế tre. Ngoài ra, HTX cũng thường nhận những đơn hàng gia công các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ mây tre như chụp đèn, bàn ghế, giỏ trái cây theo đơn đặt hàng từ các nhà hàng, khách sạn dùng làm đồ trang trí hoặc làm quà tặng. Vào những lúc cao điểm như dịp cuối năm khi thị trường tiêu dùng tăng mạnh, thì hoạt động của làng nghề càng trở nên nhộn nhịp. Hình ảnh người làm nghề tất bật những công đoạn, tiếng đục đẽo, cưa, tiếng máy mài nhẵn thân tre, uốn thẳng thanh tre trên bếp than củi nóng hiện lên thật sinh động, đặc trưng của làng nghề mây tre đan.
Cơ sở Chú Hùng (xã Long Thành Nam) chuyên về làm thang tre, bàn, ghế tre được biết đến là cơ sở kinh doanh lớn trong làng nghề, với hơn chục nhân công làm việc thường xuyên, hàng tháng cung ứng ra thị trường hơn 1.000 sản phẩm đủ các loại, được các công ty xuất nhập khẩu đến tận nơi để thu mua. Theo chú Hùng, lợi thế của các sản phẩm của làng nghề là hầu hết đều làm bằng thủ công, nguyên liệu từ tre, trúc vừa thân thiện với môi trường, vừa có độ bền cao. Đặc biệt, theo lời của các đơn vị thu mua thì các sản phẩm của làng nghề được xuất sang một số nước như: Đài Loan, Pháp và một số nước Châu Phi, nên người dân làm nghề cảm thấy rất vui khi các sản phẩm thủ công của mình được người tiêu dùng ngoài nước biết đến và tin tưởng đặt hàng.
Anh Phú Cường, chuyên thực hiện công đoạn uốn thẳng tre bằng bếp lửa củi để làm thanh dọc của thang tre, cho biết để làm ra một cây thang tre đòi hỏi trải qua nhiều công đoạn khác nhau. Cây tre tươi khi mới chặt về đều không được thẳng, việc xử lý các mắc tre, cưa tre theo kích thước chuẩn rồi phơi khô trước khi đem làm nóng trên lửa để uốn thẳng. Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề, anh Cường có thể thực hiện việc uốn thẳng thang tre trên bếp lửa mà không cần dùng thước ngắm mà chỉ dựa mà độ nóng của lửa và “cảm nhận” của mình để có thể làm ra những thân tre thẳng tắp, với số lượng nhiều.
Việc thành lập HTX Mây tre lá số 2 Long Thành Nam từ năm 1998 đã hỗ trợ kịp thời cho người dân làng nghề ở thị xã Hòa Thành, với các hỗ trợ về nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ về đầu tư thêm thiết bị máy móc vào sản xuất và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm đã giúp nghề truyền thống mây tre đan ở địa phương vững bước phát triển, gìn giữ một nghề thủ công độc đáo của địa phương./.
- Bài: Sơn Nghĩa/ Báo ảnh Việt Nam
- Ảnh: Lê Minh - Nguyễn Luân/ Báo ảnh Việt Nam