Họa sỹ Văn Dương Thành - người bắc nhịp cầu văn hóa bằng hội họa

Họa sỹ Văn Dương Thành - người bắc nhịp cầu văn hóa bằng hội họa

Được biết đến là một trong những họa sĩ tài năng của Châu Á, các tác phẩm của họa sỹ Văn Dương Thành hiện được trưng bày tại 16 bảo tàng mỹ thuật quốc tế trên thế giới.

Họa sĩ Văn Dương Thành được biết đến là một trong những nữ họa sĩ tài năng của Châu Á.

Từ cuộc hạnh ngộ của cô học trò nghèo với bậc thầy hội họa Việt Nam...

12 tuổi, họa sỹ Văn Dương Thành bước vào cổng trường đại học Mỹ thuật Việt Nam. Là người yêu thích văn chương từ nhỏ, nên Văn Dương Thành luôn chú ý đến tờ báo Văn nghệ. Số lượng phát hành ít, lại được đặt mua nhiều, nên giá của tờ báo không hề rẻ, đặc biệt với một cô học trò nghè như Văn Dương Thành.

Một lần tình cờ được cầm tờ báo trên tay, lần đầu tiên Văn Dương Thành nhìn thấy tranh của các bậc thầy hội họa Việt Nam, mặc dù chỉ là tranh minh họa. Văn Dương Thành nhớ lại: “Khi nhìn thấy những minh họa của Bùi Xuân Phái, Văn Cao, Nguyễn Sáng,… tôi quá ngưỡng mộ. Tôi đã để dành tiền ăn sáng là 5 xu để mua tờ báo văn nghệ. Đọc xong thì cắt những minh họa của các thầy dán vào quyển sổ để làm kỷ niệm”.

Người xem giao lưu với họa sĩ Văn Dương Thành thông qua tác phẩm của bà.

Thời gian cứ thế trôi qua, đến năm 17 tuổi, Văn Dương Thành được người anh của mình đẫn đến thăm một người bạn. “Trong cuộc gặp đó, tôi thấy có một người gầy gò, mũi cao, mặt hốc hác nhưng đôi mắt thì sáng rực, đẹp như đôi mắt của Van Gogh vậy. Tôi biết ngay đó là Bùi Xuân Phái. Tôi chào và gọi rõ tên ông”, họa sỹ Văn Dương Thành nhớ lại cuộc hạnh ngộ quan trọng trong hành trình hội họa của mình.

Văn Dương Thành là nữ họa sỹ trẻ tuổi nhất có tranh được trưng bày tại bảo tàng Mỹ thuật quốc gia Việt Nam từ khi mới 20 tuổi, đó là bức tranh sơn dầu “Hoa cúc trắng”.

Khi đó, họa sỹ Bùi Xuân Phái đã rất ngạc nhiên và hỏi lại cô bé Văn Dương Thành rằng: “Thế tại sao cháu lại biết bác?”. Cô bé Văn Dương Thành đã hồn nhiên mà trả lời rằng: Tại vì cháu nhịn ăn sáng mua báo Văn nghệ. Cháu đã cắt những minh họa của bác và các bạn bác để sưu tập. Cháu rất là thích”.Khi họa sỹ Bùi Xuân Phái nghe giới thiệu cô bé Văn Dương Thành là học sinh trường mỹ thuật hệ 12 năm, ông đã không nói một câu nào. “Một thoáng im lặng, mắt ông long lanh nước mắt. Khi ấy ông rất nghèo, ông cũng không có việc làm, gia đình 7 người phải ở trong một căn phòng 25 m2. Nhưng ông không ngờ có một cô học trò trường mỹ thuật ngưỡng mộ ông đến mức nhịn ăn để mua tờ báo có minh họa của ông”, Văn Dương Thành nhớ lại kỷ niệm của buổi đầu tiên gặp gỡ người thầy hội họa Việt Nam, người mà sau này đã ảnh hưởng sâu rộng đến cuộc đời và sự nghiệp của bà.

 

Sau cuộc hội ngộ năm ấy, Văn Dương Thành luôn coi mình là học trò của họa sỹ Bùi Xuân Phái. Với bà, họa sỹ Bùi Xuân Phái còn hơn cả một người thầy, đó là người thầy tinh thần của bà, mặc dù chưa một ngày nào được học trực tiếp. “Kỹ thuật vẽ tranh, phối màu, cách nhìn nghệ thuật… nhưng cao hơn cả là cách nhìn cuộc sống, thái độ sống của người nghệ sỹ, nghị lực của người họa sỹ khi dấn thân vào hội họa, giành cả cuộc đời cho lý tưởng đã lựa chọn,… Đó là những gì tôi học được ở thầy Bùi Xuân Phái”, họa sỹ Văn Dương Thành chia sẻ.

…Đến khát vọng Văn Dương Thành

Năm 1980, họa sỹ Văn Dương Thành về công tác tại Viện Nghiên cứu Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Sau đó, bà được cử đi học cao học ngôn ngữ tại Thụy Điển. Sau khi tốt nghiệp, Văn Dương Thành đã trở thành giảng viên Châu Á đầu tiên giảng dạy về mỹ thuật bằng tiếng Thụy Điển. Bà cũng là họa sĩ đầu tiên của Việt Nam được các học viên ở nước ngoài yêu quý, hâm mộ thành lập hội mỹ thuật mang tên bà, Thành-Gruppen.

Thông thạo ngoại ngữ, lại thuần thục về kỹ thuật hội họa, tranh của Văn Dương Thành lập tức tạo được tiếng vang ở nhiều nước trên thế giới. Các bức tranh thấm đẫm hồn Việt của bà hiện đã được trưng bày ở 16 viện bảo tàng quốc gia trên thế giới, mang về nhiều giải thưởng danh giá cho nữ họa sĩ, trong đó đặc biệt phải kể đến giải “Nghệ thuật kiệt xuất quốc tế” của CFMI,năm 1995.

 

Tranh của Văn Dương Thành là sự kết hợp hài hòa phong cách Á Đông và châu Âu mà ở đó những kỹ thuật của hội họa Tây phương hiện đại được vận dụng khá tinh tế. Bố cục cân đối, mầu sắc rực rỡ, biểu cảm sinh động, giàu nhạc tính pha chút trừu tượng là dấu ấn đậm nét tạo nên phong cách riêng của Văn Dương Thành.

Họa sỹ Văn Dương Thành là người Việt đầu tiên được tuyển chọn vào chương trình Nghệ Thuật đặc sắc quốc tế của CFM - Snecma, Mỹ - Pháp 2 lần vào năm 1995 và năm 1997 (International Excellence of Arts) và “Vinh Danh Đất Việt” 2007 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, được nhận giải thưởng từ Diễn Đàn Nữ Lãnh Đạo Quốc Tế năm 2018 và 2019.

Vẫn là những sắc màu từ êm dịu đến rực rỡ, từ nét phẩy nhẹ nhàng đến vệt bút mạnh mẽ, thống nhất trong sự kết hợp điêu luyện giữa văn hóa dân gian và nghệ thuật trừu tượng, tranh Văn Dương Thành đã mang đến những xúc cảm đong đầy, trìu mến, thấm đượm tình yêu và nỗi nhớ quê hương. Đây cũng là nguồn cảm hứng chủ đạo trong những sáng tác của Văn Dương Thành. Chất Việt, hồn Việt luôn in đậm trong từng nét vẽ nên Văn Dương Thành còn được mệnh danh là “sứ giả của văn hóa Việt Nam”.

Nét bút vẩy mầu đen rất thanh và động trong tranh của Văn Dương Thành không thể nào tạo lại lần thứ 2. Đó cũng là lý do mà hội họa Văn Dương Thành được sưu tập bởi những công trình công cộng như khách sạn D.I.C. Star Hotel, tòa nhà Pacific Place, Vinacapital, Galery Piony & Iris, các bạn sưu tập trong và ngoài nước,…

Qua 1.800 bức tranh, và 85 cuộc triển lãm cá nhân, họa sĩ Văn Dương Thành đã làm tăng thêm tình hữu nghị và sự hiểu biết quê hương Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.Thành danh nhưng Văn Dương Thành không ẩn mình trong tháp ngà. Khát vọng của bà đó là muốn góp phần vun trồng những tài năng nghệ thuật. Xưởng vẽ “Bông sen trắng” C29 ngõ 210 Nghi Tàm (Hà Nội) là nơi nhiều năm nay bà mở lớp dạy vẽ cho các em có năng khiếu hội họa theo học. Đến nay, nhiều học sinh của bà đã trở thành sinh viên của nhiều trường đại học quốc tế. Hàng chục năm qua, Văn Dương Thành đã đấu giá nhiều tác phẩm để gây quỹ cho các trẻ em thiệt thòi, mở phòng tranh phi lợi nhuận trong ba năm cho chương trình xóa đói, giảm nghèo của tổ chức Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Hà Nội, hay gửi tặng các tác phẩm để đấu giá gây quỹ học bổng cho sinh viên tài năng Việt Nam tại Mỹ…

 
 

“Văn Dương Thành muốn truyền cảm hứng cho các em nhỏ giống như Thành năm xưa, có năng khiếu hội họa nhưng hoàn cảnh khó khăn rằng: cô bé Văn Dương Thành đã vượt qua được hoàn cảnh để thành công thì các em cũng sẽ làm được, chỉ cần dám theo đuổi ước mơ và khát vọng”, họa sỹ Văn Dương Thành chia sẻ về lý do trở về Việt Nam để thực hiện khát vọng của mình./.

Bài: Thảo Vy - Ảnh: Thanh Giang & Tư liệu/Báo ảnh Việt Nam


Top