Họa sĩ Ando Saeko với tình yêu sơn mài Việt

Họa sĩ Ando Saeko với tình yêu sơn mài Việt

Đến Việt Nam năm 1995, họa sĩ người Nhật Bản Ando Saeko đã dành gần 30 năm cho sự nghiệp nghệ thuật sơn mài và nghề sơn truyền thống của Việt Nam. Cô hiện là hội viên Hội Mỹ thuật Hà Nội và được biết đến là nghệ sĩ đương đại nghiên cứu và sử dụng sơn tự nhiên kết hợp với kỹ thuật sơn mài Việt.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ hai nước Việt Nam- Nhật Bản, họa sĩ Ando Saeko có buổi ra mắt các tác phẩm trong triển lãm “Trăng” tại Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản (Hà Nội), phóng viên Báo ảnh Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với họa sĩ về quá trình nghiên cứu và sáng tác nghệ thuật sơn mài của Việt Nam.


Phóng viên: Điều gì đã khiến chị quyết định ở lại Việt Nam sinh sống và làm việc?

Họa sĩ Ando Saeko: Tôi đến Việt Nam năm 1995 và ở đây lâu dài thế này một phần là tôi mê chất liệu sơn mài Việt Nam, hơn nữa Việt Nam cũng là môi trường lý tưởng để tôi sáng tác. Hồi mới đến tôi ở Hà Nội học kỹ thuật sơn mài, tôi rất yêu Hà Nội vì hợp với nếp sống của mình. Nhưng sau này Hà Nội khi bắt đầu thay đổi, tốc độ cuộc sống nhanh hơn, tôi đã vào Thành phố Hồ Chí Minh. Sau 2 năm thì tôi đã chuyển tới ở Hội An cho đến giờ, vì nơi đây rất yên bình cùng nhịp sống chậm, phù hợp với việc nghiên cứu và sáng tác tranh sơn mài của tôi.

Phóng viên: Tại sao chị lại có đam mê với nghệ thuật sơn mài của Việt Nam?

Họa sĩ Ando Saeko:  Sơn Mài Việt Nam có những đặc điểm riêng biệt, hấp dẫn mà không quốc gia nào có. Ví dụ như bên Nhật chúng tôi được học kỹ thuật sơn mài tạo nên sản phẩm bóng mịn và không cho phép có tí bụi nào. Nhưng khi đến Việt Nam học kỹ thuật sơn mài của thầy Nguyễn Chí Trung trong một ngôi nhà nhỏ có khá nhiều côn trùng, lúc đó thi thoảng lại có con đậu vào tranh trong quá trình sáng tác và tôi không biết phải làm thế nào. Thầy Nguyễn Chí Trung cười bảo đấy là hoạ tiết của tự nhiên. Tôi thấy lạ, nhưng những vết côn trùng bám vào tranh đôi khi lại mang một ý tưởng nghệ thuật nào đó mà người cầm c không sáng tạo ra được. Từ đó, tôi vẽ một cách thoải mái và có cảm giác như có rất nhiều “họa sĩ côn trùng” đang cùng mình sáng tác vậy.

Sau khi học sơn mài Việt Nam và có gần 30 năm sáng tác, tôi phát hiện được thêm nhiều kỹ thuật mới. Đơn cử như, các bạn họa sĩ Việt Nam không chỉ sơn mài trên tranh, mà còn ứng dụng như trên gốm, gỗ và mây tre đan. Tôi không chỉ sử dụng cách truyền thống mà còn có thể sử dụng những phương pháp mới để phù hợp với mỹ thuật hiện đại. Xưởng tranh của tôi không chỉ là nơi tôi vẽ tranh mà nó còn giống như một phòng thí nghiệm để tôi có thể thoải mái sáng tác kỹ thuật riêng của mình.

Họa sĩ Ando Saeko làm việc tại xưởng vẽ ở Hội An. Ảnh: Họa sĩ Ando Saeko cung cấp
Họa sĩ Ando Saeko học kỹ thuật sơn mài với nghệ nhân Lâm Hữu Chính. Ảnh: Họa sĩ Ando Saeko cung cấp

Phóng viên: Những tác phẩm của chị thường được lấy cảm hứng sáng tác từ đâu?

Họa sĩ Ando Saeko: Chủ đề và cảm hứng luôn đến từ thiên nhiên hay đến một cách tình cờ chứ không trong khuôn khổ nào hết. Chẳng hạn các bạn có thể thấy những tác phẩm trong triển lãm “Trăng” được tôi sáng tác trong vòng 6 tháng vào năm 2021 là khoảng thời giãn cách xã hội vì dịch Covid. Trong thời gian tôi không về Nhật được, tôi sống ở Hội An và ngày nào cũng thấy mặt trăng trên bầu trời. Hội An không có nhà cao tầng nên cứ ngẩng nhìn là thấy mặt trăng đẹp nên tôi đã sáng tác các tác phẩm này cho triển lãm “Trăng” giới thiệu đến công chúng yêu nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Nhật Bản và Việt Nam.

Phóng viên: Có bao giờ trong quá trình sáng tác mà chị cảm thấy khó khăn và muốn từ bỏ để quay trở về Nhật Bản chưa?

Họa sĩ Ando Saeko: Ban đầu tôi đến Việt Nam thì chỉ định học vài năm rồi sẽ về Nhật. Nhưng năm này qua năm khác tôi lại thấy có những kỹ thuật mới cần phải học thêm. Cứ như thế tôi thấy mình đã trở thành một người Việt Nam lúc nào không hay, đến mức thi thoảng quay trở về Nhật tôi thấy mình giống người nước ngoài đến du lịch ở Nhật hơn.

Phóng viên: Với niềm đam mê vẽ tranh sơn mài Việt Nam gần 30 năm, chị đã có triển lãm nào để quảng bá loại hình nghệ thuật mỹ thuật này của Việt Nam đến với các nghệ sĩ trong giới mỹ thuật của quốc tế chưa?

Họa sĩ Ando Saeko: Tôi có một cộng đồng những người mê sơn mài đến từ nhiều nước ở Châu Á và Châu Âu, chúng tôi cũng thường xuyên có hoạt động giao lưu hội thảo, triển lãm. Năm 2022, cũng trong không gian của Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tôi đã có triển lãm để những họa sĩ khác đến xem và trải nghiệm kỹ thuật sơn mài của Việt Nam.

Phóng viên: Cảm ơn họa sĩ Ando Saeko về cuộc trò chuyện thú vị này!




Bài: Ngân Hà- Ảnh: Khánh Long & Tư liệu

Top