Họa kim sa: ứng dụng pháp lam vào nghệ thuật đương đại

Họa kim sa: ứng dụng pháp lam vào nghệ thuật đương đại

Bị thu hút bởi những trang trí pháp lam trên các lăng tẩm ở Huế, cô gái trẻ 9x Nguyễn Hoàng Anh đã cùng những cộng sự nhóm Họa Gấm khôi phục và sáng tạo kỹ thuật mới với tên gọi Họa kim sa vào trong những sản phẩm nghệ thuật đương đại, nhằm tôn vinh vẻ đẹp văn hóa và nghệ thuật cổ truyền của Việt Nam.


Nguyễn Hoàng Anh- Trưởng nhóm Họa Gấm cho biết trong những lần đi chơi ở Huế, khi tham quan những lăng tẩm cô bị các trang trí ở đây thu hút bởi sự tinh xảo, cầu kỳ. Tốt nghiệp Khoa thiết kế đồ họa của Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp (Hà Nội), Hoàng Anh bắt đầu nghiên cứu các tài liệu lịch sử liên quan đến phương pháp, kỹ thuật pháp lam, đồng thời tìm những bạn trẻ cùng yêu thích nghệ thuật truyền thống này thành lập nhóm Họa Gấm vào năm 2020.

Theo Hoàng Anh chia sẻ, qua tìm hiểu các tài liệu, kỹ thuật chế tác pháp lam là kỹ thuật tráng men trên cốt kim loại, rồi đem nung ở nhiệt độ cao. Kỹ thuật chế tác pháp lam bắt đầu du nhập vào Việt Nam ở thời nhà Nguyễn và chỉ tồn tại trong khoảng 60 năm rồi sau đó tàn lụi. Mặc dù đã thất truyền nhưng kỹ thuật chế tác này vẫn còn được lưu lại qua các trang trí trong quần thể di tích của Cố đô Huế.


Tuy nhiên, nếu như kỹ thuật chế tác nguyên bản của pháp lam thì Hoàng Anh nhận thấy kỹ thuật vô cùng phức tạp vì phải trải qua 7 công đoạn chính và 108 bước phụ. Và nếu muốn đưa nghệ thuật đã thất truyền này của Việt Nam quay lại phải làm sao cách thức thực hiện  đơn giản hơn, dễ tiếp cận và cũng phải dễ thực hiện hơn. Vì vậy mà sau khoảng thời gian nghiên cứu và thử nghiệm, Hoàng Anh đã cùng với các cộng sự nhóm Họa Gấm cải tiến tối giản nghệ thuật này với ba công đoạn là uốn tơ đồng, điểm lam và tráng men, định hình được kỹ thuật mới với tên gọi Họa kim sa. Trong đó họa là vẽ, kim là nguyên liệu kim loại tạo nên cốt của sản phẩm, sa là cát màu tạo nên sự đặc sắc cho sản phẩm.

Theo Hoàng Anh cho biết sự cải tiến thu gọn này không làm mất đi vẻ đẹp của sản phẩm làm theo kỹ thuật cổ truyền, mà còn giúp các bước thực hiện trở nên dễ dàng hơn, nhiều nguời cũng có thể tự tay làm những sản phẩm trang trí ứng dụng trong cuộc sống.


Hoàng Anh cùng các thành viên nhóm Họa Gấm bắt đầu ứng dụng Họa Kim Sa vào việc trang trí các sản phẩm lưu niệm, kết hợp trên các chất liệu gỗ, nhựa như ốp điện thoại, lót cốc, móc treo điện thoại, lịch, quạt, tranh… Mặc dù giản bớt nhiều bước trong kỹ thuật làm nhưng lại đòi hòi sự tỉ mỉ, khéo léo sao cho sản phẩm sát nhất với nghệ thuật truyền thống. Thông thường để làm một sản phẩm theo kỹ thuật Họa kim sa cần đến 5-10 ngày.

Với mong muốn tôn vinh và lan tỏa nét đẹp văn hóa nghệ thuật cổ truyền Việt Nam thông qua kỹ thuật Họa kim sa, Họa Gấm đã tổ chức các tọa đàm, workshop tại Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh để trực tiếp hướng dẫn các bạn trẻ tiếp cận, thực hành và trải nghiệm.



 

Bài: Ngân Hà- Ảnh: Khánh Long & Tư liệu


Top