Hải Vân quan - cửa ải hiểm yếu trên con đường thiên lí Bắc Nam xưa
Hải Vân quan là một công trình quân sự mang tính phòng thủ kiên cố được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826). Công trình tọa lạc trên đỉnh đèo Hải Vân, ở độ cao 496m so với mực nước biển, nơi giáp ranh giữa địa phận thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế) và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu (Tp. Đà Nẵng); cách trung tâm Tp. Huế khoảng 90km về phía Nam và trung tâm Tp. Đà Nẵng khoảng 28km về phía Bắc.
Ngay từ thế kỉ 14, dưới thời nhà Trần, đèo Hải Vân đã được coi là vị trí hiểm yếu, có tầm chiến lược hết sức quan trọng trên con đường thiên lí Bắc Nam, là ranh giới phòng thủ tự nhiên giữa hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam.
Kể từ khi các chúa Nguyễn vào làm chủ xứ Đàng Trong, vai trò phòng thủ của đèo Hải Vân lại càng được coi trọng. Chúa Nguyễn Hoàng (1558 - 1613) nhận định đây là “đất yết hầu của vùng Thuận Quảng”. Còn chúa chúa Nguyễn Phúc Chu (1692 - 1725), năm 1719 khi đi qua đèo Hải Vân đã cảm tác viết bài thơ “Ải lĩnh xuân vân”, trong đó có câu “Việt Nam hiểm ải thử sơn điên. Hình thế hỗn như Thục đạo thiên” ý nói địa thế cửa ải này của nước Nam ta cũng ngoằn ngoèo, hiểm yếu như đường vào đất Thục của Trung Hoa xưa.
Đến khi triều Nguyễn thiết lập, Huế trở thành kinh đô, đèo Hải Vân và núi Hải Vân ngày càng được coi trọng trong việc bảo vệ phía Nam kinh đô, bởi đây là nơi có thể quan sát bao quát toàn bộ khu vực cả ở trên biển và trên đất liền, và là yết hầu của con đường độc đạo từ phía Nam ra Huế.
Nhận thức được tầm quan trọng của ải Hải Vân, ngay từ thời Gia Long (1802 - 1820), triều đình đã cho đặt 4 dịch trạm tại huyện Phú Lộc và sửa đường lên đèo Hải Vân. Đến thời Minh Mạng (1820 - 1840), để khuyến khích người dân sinh sống ở vùng núi non hiểm trở này, nhà vua đã ban thưởng cho mỗi nhà dân ở đây một lạng bạc và xây đá thành bậc ở những đoạn đường dốc cho dễ đi lại.
Trước khi xây dựng Hải Vân quan, đèo Hải Vân đã được coi là vị trí xung yếu của Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế nhưng nơi đây chưa có công trình kiến trúc nào có tầm quan trọng và quy mô to lớn, vững chắc để phòng thủ Kinh đô Huế. Vì thế, tháng Hai năm Bính Tuất (1826), vua Minh Mạng xuống chỉ cho xây một công trình phòng thủ quy mô ở đỉnh đèo Hải Vân. Công trình gồm có hai cửa quan lớn, to cao, bề thế. Cửa trước (nhìn về phía Đà Nẵng) viết ba chữ “Hải vân quan”, cửa sau (nhìn về phía kinh thành Huế) viết sáu chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”, xung quanh xếp đá làm tường tạo thành một vòng thành cao và kín, bên trong có Trú sở (nhà ở của lính), Vũ khố (kho vũ khí)... Từ đó, ai muốn vượt qua ải Hải Vân đều phải qua hai lần cửa xây bằng gạch vồ theo lối vòm cuốn, giống cửa ở kinh thành Huế, nhưng không có vọng lâu, bên trên cửa là sân thượng dùng để quan sát bốn phía, có xây bậc thang lên xuống. Công trình xây dựng trong vài tháng, do phủ Thừa Thiên và tỉnh Quảng Nam cùng thuê dân làm, sau đó triều đình phái biền binh (lính địa phương) chở súng ống theo viên quan trấn thủ đóng giữ.
Về mặt quản lí và canh phòng Hải Vân quan do chính viên Đề đốc Kinh thành quản lí, dưới quyền quan Phủ doãn Phủ Thừa Thiên. Sau khi xây dựng xong cửa ải, triều đình phê chuẩn quyền quản lí từ cửa quan trở về Bắc thuộc quản hạt phủ Thừa Thiên, ngoài cửa quan trở về Nam thuộc quản hạt tỉnh Quảng Nam và ban hành các chính sách khuyến khích dân cư đến sinh sống từ chân núi đến đỉnh đèo, đồng thời dựng đền thờ thần núi Hải Vân.
Năm 1876, trước khi người Pháp lập nền bảo hộ thì Hải Vân quan có 50 lính canh phòng. Năm 1885, sau khi kí Hòa ước Giáp Thân (1884), số lính chỉ còn khoảng 5 người. Sang đầu thế kỉ XX, có thể kể từ năm 1918, Hải Vân quan bị bỏ hoang không còn ai canh gác. Cuối năm 1946, khi Pháp trở lại xâm lược nước ta đã cải tạo Hải Vân quan thành một cứ điểm với nhiều công sự vững chắc án ngữ trên đỉnh đèo hiểm trở do hai trung đội lính Âu - Phi chiếm giữ. Sau năm 1954, hệ thống nhà ở, đồn bốt, công sự... được quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn tiếp tục sử dụng. Có thể nói, thời Pháp và Mĩ chiếm đóng, công trình này đã bị biến đổi rất nhiều so với thời Nguyễn. Cụ thể là các ụ súng thần công, Trú sở và Vũ khố đều bị phá dỡ, nhiều đoạn tường thành bị san ủi, cửa ra vào “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” bị xây bít lại bằng gạch hiện đại và bị đất cát bồi lấp dày gần 2m… Bên cạnh đó, xung quanh Hải Vân quan, các đơn vị quân đội Pháp, Mỹ đã xây thêm 5 lô cốt tại các vị trí xung yếu.
Năm 2017, di tích Hải Vân quan được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia. Đến năm 2021, dự án tôn tạo, trùng tu di tích này được hai địa phương Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng cùng phối hợp triển khai thực hiện với diện tích khoảng 6.500m2 và tổng mức đầu tư là hơn 42 tỉ đồng.
Đến nay, sau hai năm, dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích quốc gia Hải Vân Quan đã cơ bản hoàn thành trả lại diện mạo gần như cũ và được khánh thành đưa vào phục vụ khách tham quan, tạo thành điểm đến thú vị trên tuyến Quốc lộ 1A, đoạn qua đèo Hải Vân, nơi tiếp giáp giữa hai địa phương Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng./.
- Bài: Thanh Hòa - Ảnh: Thanh Hòa & Viết Đức