GS. Nguyễn Đình Đức - Người tiên phong mở đường cho những ngành nghề đào tạo mới

GS. Nguyễn Đình Đức - Người tiên phong mở đường cho những ngành nghề đào tạo mới

Từ những dấu ấn khoa học trên trường quốc tế…

Tin vui liên tiếp đến với GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, một trong những nhà khoa học đầu ngành của Việt Nam trong lĩnh vực cơ học và vật liệu composite, khi lọt vào top 100.000 nhà nghiên cứu có chỉ số trích dẫn khoa học ảnh hưởng hàng đầu thế giới (theo cơ sở dữ liệu Scopus) trong 3 năm 2019, 2020 và 2021. Năm 2021, theo thứ tự trong bảng xếp hạng này, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức tiếp tục đứng đầu trong các nhà khoa học Việt Nam, xếp hạng 5.949 thế giới, và đứng thứ 96 thế giới trong lĩnh vực kỹ thuật.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức là một trong những nhà khoa học đầu ngành của Việt Nam trong lĩnh vực Cơ học và vật liệu composite.

Năm 1999, khi mới 36 tuổi, GS Đức được công nhận và cấp bằng phát minh về quy luật ứng xử của các vật liệu composite 3 pha có cấu trúc không gian 3Dm (nền, hạt và sợi) và đã được bầu là thành viên nước ngoài (Viện sỹ) của Viện Hàn lâm Khoa học Tự nhiên Nga.

Trước đó, GS Nguyễn Đình Đức, nguyên là Giáo sư nghiên cứu – thỉnh giảng của các trường đại học danh tiếng của Liên bang Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và Vương Quốc Anh như: Lomonosov Moscow State University (Russia), Mechanical Engineering Research Institute (Russian Academy of Sciences), Japan Advanced Institute of Science and Technology (JAIST), Seong University (Korea); và University of Birmingham (United Kingdom), đã tham gia hợp tác nghiên cứu với các nhà khoa học có uy tín của các nước khác như Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Canada, Úc, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc,…


Hiện nay, GS Nguyễn Đình Đức được coi là nhà khoa học Việt Nam tiên phong trong nghiên cứu vật liệu composite cacrbon-cacrbon siêu bền nhiệt có cấu trúc không gian 3Dm, 4Dm; và vật liệu và kết cấu composite chức năng có cơ lý tính biến đổi FGM. Đây là vật liệu thế hệ mới, độ bền cơ học và bền nhiệt rất cao, được sử dụng rộng rãi trong các kết cấu hàng không vũ trụ, chế tạo tên lửa, các chi tiết của nhà máy điện nguyên tử, trong công nghiệp chế tạo máy..…

Những thành tựu trên của GS Đức làm rạng danh nền khoa học Việt Nam, đặc biệt trong những lĩnh vực mà Việt Nam được coi là đi sau rất nhiều so với thế giới.


…đến mở đường những ngành nghề đào tạo mới

Đối với các nhà khoa học, vai trò cốt lõi cũng như sự cống hiến của họ chính là kết quả nghiên cứu có giá trị cho nhân loại. Thế nhưng, với GS Nguyễn Đình Đức, điều đó là chưa đủ. Chính vì vậy, ông còn là người tiên phong, dẫn đường để mở ra các ngành mới, bộ môn mới, khoa mới, phòng thí nghiệm mới tại một trong những trường đại học hàng đầu Việt Nam.

Ngành Vật liệu Kết cấu Tiên tiến và Công nghệ Kỹ thuật Xây dựng – Giao thông, Kỹ thuật hạ tầng mà Giáo sư Nguyễn Đình Đức sáng lập đã đặt nền tảng vững chắc cho những lĩnh vực kỹ thuật công nghệ cao hoàn toàn mới ở Đại học Quốc gia Hà Nội, góp phần quan trọng cho sự phát triển và lớn mạnh của trường Đại học Công nghệ, Đại học Việt Nhật và Đại học Quốc gia Hà Nội hiện nay.


Việc sáng lập này không chỉ có ý nghĩa với sự phát triển bền vững của ngành Cơ học Việt Nam, ngành Xây dựng, ngành Giao thông, Kỹ thuật hạ tầng, mà còn cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước trong các lĩnh vực này.

Dấu ấn đặc biệt của GS Nguyễn Đình Đức là làm chuyển dịch cơ cấu của Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, từ một trường khoa học cơ bản thành trường đào tạo cả nguồn nhân lực kỹ thuật công nghệ cao, vừa gắn nghiên cứu đỉnh cao với các chuẩn mực quốc tế, lại gắn kết chặt chẽ với thực tiễn, với các ngành nghề cụ thể. Hiện nay, ngành kỹ thuật và công nghệ cao là những ngành nghề thiết yếu trong giai đoạn Việt Nam muốn cất cánh và hội nhập sâu rộng.


GS Nguyễn Đình Đức chia sẻ, giáo dục là căn cốt của mỗi quốc gia, khoa học công nghệ là động lực phát triển, thì nguồn nhân lực chất lượng cao là chiếc đũa thần để các nước vươn lên trở thành những nước công nghiệp phát triển. Đây là mô hình đã được chứng minh ở các nước đi trước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,… Bởi vậy, trong giai đoạn này, khoa học công nghệ là mấu chốt trong việc đào tạo nguồn nhân lực. Những việc GS Nguyễn Đình Đức và những người cùng thế hệ của ông đang làm là tạo ra một môi trường khoa học, nền tảng nghiên cứu để các thế hệ sau có thể đủ cơ hội phát triển,  góp sức mình cho sự thịnh vượng của đất nước./.

Bài: Thảo Vy - Ảnh: NVCC


Top