Giám đốc CCIHP Hoàng Tú Anh với sứ mệnh đạt công bằng sức khỏe cho người dân
Mặc dù được đào tạo trở thành bác sỹ điều trị lâm sàng tại trường Đại học Y Hà Nội, BS Hoàng Tú Anh đã quyết định theo đuổi công việc y tế cộng đồng ở thời điểm mà ngay cả khái niệm đó vẫn còn rất mới mẻ ở Việt Nam và trở thành thành viên Hội đồng sáng lập và Giám đốc điều hành đầu tiên của Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP).
Xuất thân từ con nhà nòi, bố mẹ đều làm bác sỹ, việc Hoàng Tú Anh trở thành một sinh viên trường Đại học Y Hà Nội như một lẽ đương nhiên. Được định sẵn khi ra trường, cô sinh viên Hoàng Tú Anh sẽ trở thành một bác sỹ làm việc tại các bệnh viện. Tuy nhiên, từ khi còn là sinh viên, trong thời gian được đi thực tế, khám chữa bệnh cho người dân tại các bệnh viện, Hoàng Tú Anh luôn trăn trở khi gặp các bệnh nhân nghèo. “Họ gặp rất nhiều khó khăn, vất vả trong việc chăm sóc sức khỏe, bệnh tật,” BS Hoàng Tú Anh chia sẻ lý do khiến mình rẽ sang một con đường khác.
Ra trường năm 1993, BS Hoàng Tú Anh ở lại làm việc tại trường Đại học Y Hà Nội. Nhưng tại đây, BS Tú Anh lựa chọn tham gia vào nhóm hoạt động y tế cộng đồng đầu tiên của trường Đại học Y Hà Nội. Thời điểm đó, khái niệm y tế cộng đồng còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Nhóm của BS Tú Anh đã có rất nhiều hoạt động nghiên cứu về các mô hình bệnh trong cộng động. Theo BS Tú Anh, câu chuyện dự phòng bệnh tật dựa vào việc lắng nghe ý kiến từ cộng đồng là điều rất mới lúc bấy giờ nhưng lại vô cùng thu hút đối với bà.
Phương pháp này không có con số nghiên cứu khoa học như phương pháp dịch tễ học, nhưng lại có những bằng chứng rất trực quan sinh động về mô hình bệnh ở một vùng cụ thể. Ví dụ như câu chuyện về một vùng quê, nơi mà người dân rất hay bị mắc các bệnh truyền nhiễm. Khi được nghe giải thích từ những người có kiến thức như BS Tú Anh và các đồng nghiệp, người dân biết được nguyên nhân của việc họ bị mắc bệnh là do đường làng ngõ xóm bị bẩn và ô nhiễm. Một gian sau quay lại, BS Tú Anh và các đồng nghiệp thấy đường làng ngõ xóm đã được dọn dẹp sạch sẽ, khang trang. “Lắng nghe vấn đề từ cộng đồng, mình phân tích cho họ dựa trên kiến thức khoa học, sau đó họ lại chính là người đưa ra giải pháp mà không cần phải chờ đến dự án này, dự án kia từ nhà nước. Công việc này khiến mình say mê thực sự, thấy mình được sống, được đóng góp cho cộng đồng,” BS Tú Anh cho biết.
Từ việc đi thực tế tại cộng đồng, BSTú Anh nhận thấy nếu thực hiện tốt các chương trình nghiên cứu hay giáo dục, truyền thông cho người dân về việc phòng bệnh thì rất hữu ích, vừa giúp người dân có một nền tảng sức khỏe tốt, vừa giúp giảm chi phí đi khám chữa bệnh cho họ. Theo BS Tú Anh nếu thực hiện tốt được điều này thì có thể giải quyết được rất nhiều thứ trước khi người dân phải đi đến bệnh viện.
Đó là lý do, sau 6 năm làm việc tại trường Đại học Y Hà Nội, năm 1999, BS Tú Anh xin thôi việc và thành lập Công ty Tư vấn Đầu tư Y tế (CIHP), hoạt động như một doanh nghiệp xã hội. Đến năm 2008, Trung tâm xin đăng ký hoạt động theo mô hình một tổ chức phi chính phủ Việt Nam với 3 mục tiêu hoạt động chính, đó là nghiên cứu, can thiệp và vận động chính sách, cùng sứ mệnh “Đạt được công bằng sức khỏe cho người dân, không phụ thuộc bạn đến từ đầu”. CCIHP trở thành một tổ chức tiên phong giải quyết các vấn đề phức tạp về sức khỏe và dân số trong xã hội Việt Nam hiện nay thông qua các chiến lược và phương pháp tiếp cận sáng tạo.
Cụ thể, CCIHP thúc đẩy các nghiên cứu mang tính phản biện về các vấn đề như các nghiên cứu phản ảnh những yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới sức khỏe và đời sống của người Việt Nam, bao gồm nghiên cứu về chính sách y tế và khảo sát đánh giá những mô hình mới trong chăm sóc y tế. Nghiên cứu của CCIHP ưu tiên các vấn đề của các nhóm yếu thế và nhóm thiểu số trong xã hội, ví dụ như nhóm phụ nữ bị bạo hành giới, cộng đồng LGBT (cộng đồng người đồng giới, lưỡng giới và chuyển giới), người sống chung với HIV, người khuyết tật v.v.
CCIHP cũng là tổ chức tiên phong trong thử nghiệm mô hình can thiệp sử dụng cách tiếp cận đa ngành mang tính sáng tạo và đổi mới. Các can thiệp áp dụng công nghệ mới nhằm tạo ra các mạng lưới và cung cấp những kênh thông tin mới. Ví dụ, CCIHP đã cung cấp dịch vụ tư vấn trực tuyến trên internet đầu tiên ở Việt Nam về sức khỏe tình dục cho thanh thiếu niên, và sử dụng nghệ thuật chụp ảnh hay sân khấu hóa tình huống để khuyến khích người dân thảo luận những vấn đề nhạy cảm như bạo hành giới, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, quyền và HIV.
Các dự án, chương trình do CCIHP tổ chức đã có sự tham gia hơp tác từ các cơ quan đơn vị trong và ngoài nước như: Bộ Y tế, Tổng cục Thống kê, Hội LH Phụ nữ Việt Nam, Đoàn thanh niên CSHCM,Viện Phát triển giáo dục Hoa Kỳ (AED), Cơ quan Cứu trợ Nhi đồng LHQ , Tổ chức Y tế Thế giới, Quỹ Dân số Thế giới, Hội nghiên cứu Tình dục, Văn hóa & Xã hội quốc tế (IASSCS)…
Sau hơn 20 năm đồng hành cùng CCIHP, những nỗ lực của BS Hoàng Tú Anh đã giúp CCIHP trở thành một tổ chức uy tín trong việc phát triển, sáng tạo các mô hình can thiệp, nhằm mang đến sự bình đẳng giới và quyền sức khỏe sinh sản và tình dục ở Việt Nam, với sứ mệnh từ ngày đầu thành lập, đó là “Đạt được sự công bằng sức khỏe cho người dân”. /.
BS Tú Anh - nguyên Chủ tịch của Liên Minh quyền tình dục, thành viên ban điều hành Mạng lưới phòng chống bạo lực giới Việt Nam (GBVNET), thành viên của Southeast Asia Consortium on Gender, Sexuality and Health, thành viên ban điều hành của trung tâm nghiên cứu phụ nữ và nguồn lực châu Á – Thái Bình Dương (Asia-Pacific Research and Resource Center for Women - ARROW) và thành viên ban cố vấn IDAHO.
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Công Đạt & Tư liệu