Gia Lâm phát triển du lịch văn hóa, sinh thái từ các sản phẩm OCOP

Gia Lâm phát triển du lịch văn hóa, sinh thái từ các sản phẩm OCOP

Huyện Gia Lâm (Hà Nội) được biết đến là vùng đất có lợi thế bề dày văn hóa, hình thành hàng nghìn năm nên có nhiều tiềm năng phát triển du lịch văn hóa và sinh thái. Trong những năm qua, nhờ chủ trương đúng đắn của chính quyền địa phương nên du lịch văn hóa, sinh thái ở nơi đây đã phát triển đúng hướng, nhiều sản phẩm được công nhận OCOP, góp phần phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xây dựng nông thôn mới của Huyện.


Vùng đất của văn hóa và phát triển sinh thái

Với lợi thế gắn liền với tiềm năng phát triển du lịch của huyện Gia Lâm như: các di tích nổi tiếng liên quan đến Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Thái hậu Ỷ Lan… (Trong đó, Lễ hội Gióng ở đền Sóc, Lễ hội Gióng đền Phù Đổng được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.) hay các làng nghề gốm Bát Tràng, gốm Kim Lan, dát vàng Kiêu Kỵ, … cùng với đó, cảnh quan ven sông Hồng, sông Đuống cũng là lợi thế để phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn.

Huyện Gia Lâm là vùng đất cổ nằm ở cửa ngõ phía Đông Bắc của Thủ đô, nơi giao thoa giữa 2 nền văn hóa Thăng Long và Kinh Bắc. Hiện nay, huyện Gia Lâm có 320 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 1 khu di tích quốc gia đặc biệt (đền Phù Đổng); 64 di tích xếp hạng cấp quốc gia; 86 di tích xếp hạng cấp thành phố; 19 điểm lưu niệm sự kiện cách mạng - kháng chiến và hàng vạn di vật, hiện vật có giá trị tiêu biểu cho diện mạo văn hóa Kinh Bắc và Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến.


Khu du lịch sinh thái Cánh buồm xanh là địa điểm du lịch trải nghiệm thu hút các em nhỏ tới trải nghiệm.

Cùng với đó chính quyền địa phương có những chính sách hỗ trợ để phát triển sản xuất, xây dựng Nông thôn mới, cụ thể: Phát triển sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, khuyến khích các nhà đầu tư, các doanh nghiệp liên danh liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; hàng năm huyện có chủ trương hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng - vật nuôi mới có năng suất chất lương cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Trên địa bàn huyện Gia Lâm có 58 hợp tác xã nông nghiệp (bao gồm 20 HTX DVTH quy mô toàn xã được duy trì và hoạt động ổn định, 25 hợp tác xã quy mô vừa và nhỏ khác. Tính đến nay, tổng diện tích cây trồng chính vụ Xuân 2023 là là 2.412,1ha, trong đó diện tích lúa 1.048ha đạt 98,35% kế hoạch, ngô 178,5ha đạt 89,25% kế hoạch, lạc 128,6ha đạt 96,69% kế hoạch, đậu tương 39ha đạt 97,5% kế hoạch, rau các loại 644,5ha đạt 106,74% kế hoạch, cây khác 373,5ha (hoa các loại, dược liệu, gia vị, cây hàng năm...).

Toàn huyện có 6 làng được công nhận làng nghề truyền thống: Làng nghề truyền thống gốm xứ Bát Tràng, Làng nghề truyền thống gốm xứ Giang Cao, Làng nghề truyền thống gốm xứ Kim Lan, Làng nghề truyền thống rát vàng, bạc, quỳ và may da Kiêu Kỵ, Làng Nghề thuốc nam,thuốc bắc Ninh Hiệp, Làng nghề hoa giấy Phù Đổng; các làng nghề đều có phương án bảo vệ môi trường, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể.

Với lợi thế có địa lý ven sông Hồng, sông Đuống nên Huyện Gia Lâm nổi tiếng là nơi phát triển 7 vùng sản xuất rau,
cây ăn quả được chứng nhận vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap.

Với tiềm năng phong phú về văn hóa, sinh thái thì huyện Gia Lâm đã định hướng cho người dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, theo hướng tăng dần tỉ trọng dịch vụ - du lịch, công nghiệp tiểu thủ công nghiệp, giảm dần tỉ trọng nông nghiệp trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, thị trường, dịch vụ, ngành nghề truyền thống.

Hiệu quả trong định hướng du lịch từ tiềm năng địa phương

Hàng loạt tour du lịch tại Phù Đổng được đưa vào hoạt động, như tour du lịch đền Phù Đổng, chùa Kiến Sơ, khu sinh thái Green Park, tour du lịch một ngày khám phá quê hương Thánh Gióng hay một tour tham quan các di tích liên quan đến Thánh Gióng. Đây thực sự là những trải nghiệm văn hóa đầy ý nghĩa dành cho du khách muốn khám phá vùng đất văn hóa này.

Du khách thăm quan, trải nghiệm nghề làm gốm của làng Bát Tràng.

Ngoài ra, du lịch làng nghề trên địa bàn huyện cũng đang được khai thác hiệu quả. Ước tính mỗi ngày có hàng ngàn du khách tới khám phá, trải nghiệm tại các nghề truyền thống như: Dát quỳ vàng, may da Kiêu Kỵ; thuốc nam, thuốc bắc Ninh Hiệp; gốm sứ Kim Lan, Bát Tràng…  Điển hình như việc UBND xã Bát Tràng đã phối hợp với công ty lữ hành xây dựng tour du lịch hành trình “Dấu chân làng cổ” giúp khách du lịch được trải nghiệm trong những con ngõ quanh co, cho đến ngắm nghệ nhân làm sản phẩm, nghe những câu chuyện quá khứ và thưởng thức những đặc sản ẩm thực Bát Tràng. Hay như việc Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt được xây dựng giữa lòng làng gốm cổ Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội. Công trình này được xây dựng để tôn vinh những giá trị, tinh hoa của làng nghề Bát Tràng và quảng bá rộng rãi hình ảnh, thương hiệu gốm sứ và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác của Việt Nam…


Không chỉ có vậy, Gia Lâm còn có nổi tiếng là nơi phát triển 7 vùng sản xuất rau, cây ăn quả được chứng nhận vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Đây cũng là một lợi thế để du khách tìm hiểu về các loại trái cây, rau và thảo mộc của Việt Nam và cách trồng trọt, chăm sóc; tham gia vào các hoạt động nông nghiệp thực hành như trồng và thu hoạch lúa, cuốc đất và bón phân hay học cách đánh bắt cá từ sông với một loạt các công cụ đánh cá truyền thống…

Có thể nói, những hiệu quả của việc phát triển du lịch trên địa bản huyện Gia Lâm có dấu ấn rất rõ của Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Gia Lâm giai đoạn 2021-2025” UBND huyện Gia Lâm đã ban hành. Thông qua đề án này việc tu bổ di tích, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, xúc tiến du lịch của huyện đã góp phần thực hiện kỳ vọng sẽ đưa huyện trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước./.

Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt được xây dựng giữa lòng làng gốm cổ Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội.

Bài: Tất Sơn - Ảnh: Trịnh Bộ/Báo ảnh Việt Nam

(Bài có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới thành phố Hà Nội)


Top