Gia Lai – điểm sáng nông nghiệp công nghệ cao vùng Tây Nguyên

Gia Lai – điểm sáng nông nghiệp công nghệ cao vùng Tây Nguyên

Nằm ở vị trí trung tâm của vùng Tây Nguyên, Gia Lai là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn thứ hai của cả nước, trong đó đất sản xuất nông nghiệp hơn 845.000ha, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất thuận lợi để phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với chuỗi liên kết chế biến sâu phục vụ xuất khẩu.

Trước đây, nói đến nông nghiệp công nghệ cao của vùng Tây Nguyên người ta thường nhắc đến Lâm Đồng nhưng những năm gần đây Gia Lai đang nổi lên trở thành điểm sáng không hề thua kém, thậm chí nhìn về lâu dài còn có lợi thế hơn nhờ quỹ đất đầu tư cho nông nghiệp dồi dào và chính sách thu hút đầu tư mạnh mẽ, có chiều sâu.

 

Trung tâm chế biến rau quả của Doveco Gia Lai được đặt ngay giữa vùng nguyên liệu dồi dào của huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Theo ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, Gia Lai xác định nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong 3 thế mạnh cùng với công nghiệp chế biến và năng lượng tái tạo - du lịch nên được ưu tiên phát triển và mời gọi đầu tư.

Với Đề án phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả đến năm 2030, định hướng đến năm 2040, Gia Lai sẽ dành khoảng 120 ngàn ha để thực hiện Đề án này với khát vọng xây dựng tỉnh trở thành trung tâm sản xuất rau quả lớn của cả nước.

Để hiện thực hóa khát vọng này Gia Lai hiện đang triển khai các dự án lớn và ưu tiên thu hút đầu tư. Điển hình như dự án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Đăk Đoa quy mô 459,04ha, tổng vốn đầu tư 1.490 tỉ đồng; dự án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại thành phố Pleiku, quy mô 3 giai đoạn, diện tích 100ha với tổng vốn đầu tư 500 tỉ đồng...

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai, tính đến nay tỉnh Gia Lai đã thu hút được 258 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, qua đó đã hình thành nên 18 vùng sản xuất chuyên canh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích gần 3.500ha, tập trung vào các sản phẩm cây trồng có thế mạnh như: bơ, sầu riêng, thanh long, chuối, ớt, hồ tiêu, cà phê, rau, hoa, dược liệu.

 

Mỗi năm, Công ty Cổ phần quốc tế Thông đỏ ở Gia Lai có thể cung cấp cho thị trường khoảng 20 triệu cây giống chanh dây chất lượng cao. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Ông Lê Tiến Anh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai cho biết, tỉnh Gia Lai nằm ở vị trí trung tâm của vùng Tây Nguyên, có khí hậu đa dạng và diện tích lớn, thích hợp phát triển nông nghiệp quy mô lớn. Để phát huy những lợi thế này, Gia Lai phấn đấu trở thành một trong những trung tâm sản xuất, chế biến nông nghiệp công nghệ cao của cả nước. Do vậy, Gia Lai đang ưu tiên thu hút các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô lớn.

Với chủ trương đó, Gia Lai đã tập trung thu hút, kêu gọi nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu nông sản, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ làm đầu chuỗi để liên kết sản xuất với kinh tế hộ nông dân thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác để sản xuất hàng xuất khẩu và tiêu dùng.

Điển hình như dự án Doveco Gia Lai, trung tâm chế biến rau quả lớn nhất vùng Tây Nguyên của Cty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đặt tại huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Đây là trung tâm chế biến rau quả khép kín, bao gồm từ liên kết phát triển sản xuất, thu mua nguyên liệu; chế biến tinh, chế biến sâu để xuất khẩu.

Dự án có quy mô gần 6ha với 3 dây chuyền chế biến nông sản tự động hóa gồm: dây chuyền sản xuất nước quả cô đặc và nước quả tự nhiên, công suất 20.000 tấn sản phẩm/năm; dây chuyền sản xuất rau quả đông lạnh, công suất 22.000 tấn sản phẩm/năm; dây chuyền sản xuất rau quả đồ hộp, công suất 10.000 tấn sản phẩm/năm.

 

Sản phẩm chuối của Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn được xuất sang thị trường các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Đài Loan, Qatar, Israel... Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Với quy mô này, Doveco Gia Lai có thể thu mua và chế biến hàng trăm ngàn tấn rau quả các loại mỗi năm như chanh dây, xoài, bơ, sầu riêng, dứa… Sản phẩm được xuất khẩu đến khoảng 50 quốc gia, tập trung vào các thị trường lớn như châu Âu, Israel, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc…; doanh thu hàng năm ước đạt 2.000 tỉ đồng, kim ngạch xuất khẩu 80- 90 triệu USD;  góp phần giải quyết trên 500 lao động ở địa phương và hàng chục ngàn nông dân các tỉnh Tây Nguyên tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng các sản phẩm nông sản.

Khác với Doveco Gia Lai, Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn là doanh nghiệp đầu tư trồng chuối theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn xuất khẩu.

 

Sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của Gia lai ngày càng được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Với diện tích hơn 400ha trồng chuối tại xã Hneng và Ia Pết (huyện Đak Đoa), Công ty Hưng Sơn đã tạo việc làm thường xuyên cho khoảng hơn 800 công nhân. Sản phẩm của Công ty đã xuất sang thị trường các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Đài Loan, Qatar, Israel... với sản lượng khoảng 20.000 tấn mỗi năm.

Để giải quyết nguồn giống cây trồng đảm bảo, Gia Lai cũng mời gọi nhiều nhà đầu tư lớn. Trong đó có Công ty Cổ phần quốc tế Thông đỏ đóng tại địa bàn thôn Hòa Sơn, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh. Công ty có khu sản xuất giống chanh dây hơn 12ha, ứng dụng công nghệ hiện đại được chuyển giao từ Đài Loan, mỗi năm có thể cung cấp cho thị trường khoảng 20 triệu cây giống.

 

Vùng nguyên liệu chuối xuất khẩu hơn 400ha tại xã Hneng và Ia Pết (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) của Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Từ một nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ Giai Lai đang chuyển mình mạnh mẽ trở thành điểm sáng trên bản đồ nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam, điểm đến của nhiều nhà đầu tư lớn, góp phần vào phát triển kinh tế của địa phương, ổn định đời sống-xã hội cho đồng bào các dân tộc thiểu số và cho cả vùng Tây Nguyên./.

 

  • Bài & ảnh:  Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

 


Top