Đưa màu sắc dân gian vào trang trí nội thất hiện đại
Ngày nay xu hướng trang trí không gian sống ngày càng cao nhưng việc lưu giữ và phát triển văn hóa truyền thống lại được những người làm nghệ thuật quan tâm. Vì thế việc làm sao tạo ra những tác phẩm vừa mang văn hóa truyền thống nhưng lại mang hơi thở đương đại đã khiến hai bạn Nguyễn Thanh Tùng và Vũ Minh Trang sáng tạo ra những tác phẩm tranh dân gian theo xu hướng décor hiện đại.Tốt nghiệp về lĩnh vực kiến trúc hội họa, Tùng và Trang làm về trang trí nội thất. Rồi những buổi đi chơi trên phố cổ Hà Nội nhìn thấy nhiều những bức tranh dân gian và thấy rất thu hút, bởi trong từng bức tranh thấy có mỗi 1 câu chuyện riêng, nhìn vào là tò mò xem bức tranh muốn thể hiện thông điệp gì. Chính vì thế mà việc hàng ngày làm về chất liệu gỗ khi làm về trang trí nội thất khiến hai bạn nghĩ có thể thay vì việc dùng giấy dó là chất liệu gỗ thì những bức tranh như vậy sẽ trở thành những tác phẩm nghệ thuật kết hợp được cả truyền thống và hiện đại. Vì vậy mà hai bạn đã bắt tay vào làm những sản phẩm trang trí nội thất hiện đại từ hình ảnh những bức tranh dân gian Việt Nam.
Những sản phẩm được làm bằng gỗ với nhiều kích cỡ khác nhau nên đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và kiên nhẫn bởi khi vẽ trên gỗ đòi hỏi bút vẽ khá cao, ngòi bút không được cứng quá cũng không được mềm quá. Đồng thời việc cảm giác với màu sắc rất quan trọng bởi người họa sĩ có thể tạo ra sự tương phản mạnh mẽ bằng các đường nét, bên cạnh đó cách sử dụng màu sắc vừa mang tính dân gian vừa kết hợp xu hướng hiện đại để làm sao thật hài hòa khi sản phẩm được đặt trong không gian nội thất đương đại.
Đến nay tác phẩm làm lâu nhất là bức tranh “Đám cưới chuột” vì có nhiều chi tiết, phải vẽ thủ công mất nhiều thời gian và việc đi nét viền sản phẩm cần độ mảnh mất khá nhiều công sức.
Với xu hướng đưa hơi thở dân gian truyền thống vào trang trí nội thất hiện đại, đến nay hai bạn Nguyễn Thanh Tùng và Vũ Minh Trang cùng các cộng sự của mình làm ra các sản phẩm từ tranh Thờ Mẫu, tranh Đông Hồ như đàn lợn, đàn gà, cậu bé ôm cá chép… Khách hàng mua về chủ yếu dùng để trang trí nhà cửa, nơi làm việc với mức giá dao động từ 5 đến 7 triệu đồng./.
Bài: Ngân Hà- Ảnh: Việt Cường/Báo ảnh Việt Nam