Doveco Gia Lai – nhà chế biến nông sản xuất khẩu hàng đầu Tây Nguyên

Doveco Gia Lai – nhà chế biến nông sản xuất khẩu hàng đầu Tây Nguyên

Trung tâm chế biến của Doveco ở Gia Lai là cơ sở chế biến nông sản hàng đầu ở Tây Nguyên, mỗi năm có thể thu mua và chế biến hàng trăm ngàn tấn rau quả các loại. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Doveco là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Với việc xây dựng nhà máy chế biến có quy mô lớn và hiện đại bậc nhất Việt Nam tại Gia Lai, Doveco không chỉ hi vọng sẽ mở rộng thị trường, nâng cao kim ngạch xuất khẩu mà còn tạo được việc làm bền vững cho hàng chục ngàn nông dân vùng Tây Nguyên khi tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản cho nhà máy.

Tây Nguyên là vùng đất có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là các loại rau, củ, quả xuất khẩu. Đồng thời đây cũng là vùng trọng điểm được chính phủ xác định đẩy mạnh đầu tư phát triển để ổn định sinh kế, nâng cao đời sống cho người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở trong vùng.

Vì vậy, những năm gần đây, bên cạnh việc đẩy mạnh đầu tư giúp người dân chuyển đổi mô hình kinh tế, phát triển các nghề chăn nuôi, trồng trọt từ mô hình nhỏ lẻ sang mô hình trang trại lớn với các giống cây con có giá trị kinh tế cao để xuất khẩu, chính phủ và chính quyền địa phương còn kêu gọi nhiều doanh nghiệp có tiềm lực đến Gia Lai nghiên cứu đầu tư để cùng phát triển.

 

Tại Tây Nguyên, Doveco Gia Lai có hàng trăm hecta trồng chanh dây chất lượng cao để phục vụ nhu cầu chế biến xuất khẩu. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Nắm bắt cơ hội đó, năm 2018, Công ty Cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (Doveco), doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu nông sản hàng đầu của Việt Nam, đã nhanh chóng đầu tư xây dựng một trung tâm chế biến nông sản có quy mô lớn và hiện đại bậc nhất Việt Nam tại Cụm Công nghiệp và Tiểu thủ Công nghiệp huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai với diện tích gần 6 ha.

Dự án gồm tổ hợp 3 nhà máy có thiết bị và công nghệ hiện đại do Italia, Đức, Nhật Bản sản xuất. Trong đó có nhà máy chế biến nước quả cô đặc và nguyên liệu xay sẵn (puree) công suất 10.000 tấn/năm, nhà máy chế biến rau quả đông lạnh công suất 10.000 tấn sản phẩm/năm và nhà máy chế biến rau quả đồ hộp công suất 10.000 tấn sản phẩm/năm.

 

Với nguồn nguyên liệu dồi dào Doveco Gia Lai hoàn toàn đáp ứng nhu cầu xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam & Tư liệu của Doveco 

Ngay sau khi đi vào hoạt động, trung tâm đã có thể chế biến được khoảng 300 tấn nguyên liệu chanh dây/ngày, 500 tấn dứa/ngày và 200 tấn xoài/ngày. Ngoài ra, trung tâm còn có thể chế biến hàng trăm tấn chuối, bơ, thanh long, bắp ngọt, đậu bắp, khoai lang… Điển hình như năm 2021, mặc dù tình hình kinh tế gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng trung tâm vẫn sản xuất được hơn 32.800 tấn sản phẩm rau quả các loại, kim ngạch xuất khẩu đạt 68,95 triệu USD.

Để đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định và cũng tạo cơ hội cho người dân tham gia vào chuỗi sản xuất, ngay từ sớm Doveco đã chú trọng phát triển các vùng nguyên liệu mang tính bền vững.

Với phương châm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên, nhất là lợi ích của người lao động, Doveco đã kí hợp đồng liên kết với hơn 500 hộ dân để trồng các loại cây như: chanh dây, dứa, chuối tiêu hồng, đậu tương, măng bát độ trên diện tích gần 4.000ha, tập trung tại địa bàn các địa phương như: huyện Phú Thiện, huyện Kông Chro, huyện Ia Pa, huyện Đak Pơ, huyện Ia Grai, huyện Đak Đoa, huyện Mang Yang, huyện Kbang, thị xã An Khê của tỉnh Gia Lai, và nhiều vùng nguyên liệu khác ở các tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.

 

Mỗi ngày Doveco Gia Lai có thể thu mua và chế biến hàng trăm tấn quả tươi các loại. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Nhằm giúp người dân yên tâm tham gia vào chuỗi sản xuất, Doveco đã cung cấp giống, vật tư phân bón, chuyển giao kĩ thuật cho nông dân. Đồng thời, hướng dẫn người dân sản xuất theo quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm tạo ra sản phẩm đúng theo tiêu chuẩn từ khâu sản xuất cho đến chế biến và xuất khẩu. Đặc biệt, Doveco còn có chính sách hỗ trợ trong trường hợp rủi ro, thiên tai và cam kết bao tiêu sản phẩm.

Bên cạnh việc liên kết với người dân, Doveco cũng tự xây dựng vùng nguyên liệu riêng để chủ động phục vụ chế biến xuất khẩu. Theo đó, Doveco đã thuê 250 ha đất để trồng chanh dây tại huyện Ia Grai; triển khai các mô hình trồng đậu tương tại các huyện Đak Đoa, Phú Thiện, Ia Pa; trồng dứa tại huyện Ia Pa; trồng bắp ngọt, rau chân vịt tại huyện Mang Yang và xã An Phú (Tp. Pleku).

 

Tất cả các dòng sản phẩm của Doveco Gia Lai đều có thể truy xuất nguồn gốc để kiểm chứng và xác thực thông tin sản phẩm. Ảnh: Tư liệu của Doveco 

Với nguồn nguyên liệu dồi dào và năng lực sản xuất lớn, hiện sản phẩm của Doveco đã được xuất khẩu đến 50 quốc gia, tập trung chủ yếu vào thị trường các nước như: Nhật Bản (10%), Mỹ (13%), Israel (27%), EU (33%)... Các sản phẩm xuất khẩu chiến lược của Doveco chủ yếu là: dứa lạnh 14,6%, dứa hộp 13,8%, nước dứa cô đặc 25%, nước chanh dây cô đặc 24%, vải lạnh 8,5%, mơ lạnh 3,8%, rau chân vịt 3,1%, các loại khác 7,2%. Tại thị trường trong nước, sản phẩm của Doveco đã có mặt ở hầu hết các siêu thị lớn nhỏ và đang chiếm một thị phần lớn./.

Doveco Lai hiện có trên 13.000ha vùng nguyên liệu ở các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Với quy mô như trên, mỗi năm trung tâm chế biến của Doveco ở Gia Lai có thể thu mua và chế biến hàng trăm ngàn tấn rau quả các loại; mỗi năm doanh thu ước đạt 2.000 tỉ đồng, kim ngạch xuất khẩu 80- 90 triệu USD; tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động địa phương làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và khoảng 1.000 lao động làm việc trực tiếp tại nhà máy.

  • Bài:  Thanh Hòa - Ảnh:  Thanh Hòa & Tư liệu của Doveco

 



Top