Đẩy nhanh phục hồi kinh tế ASEAN

Đẩy nhanh phục hồi kinh tế ASEAN

 
Thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức như an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, tắc nghẽn trong vận tải đường biển và chuỗi cung ứng toàn cầu... Trong bối cảnh trên, Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN lần thứ 54 (AEM-54) và các hội nghị liên quan vừa diễn ra ở Campuchia đã chia sẻ về tình hình triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế bền vững, đồng bộ. 

Là khu vực có quy mô kinh tế lớn thứ 3 của châu Á và thứ 5 của thế giới, các nền kinh tế Đông Nam Á đang cho thấy dấu hiệu phục hồi. Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tăng trưởng sản lượng kinh tế khu vực này năm 2021 đã tăng lên 2,9% và dự kiến đạt 4,9% trong năm 2022. 

Về lĩnh vực giao thông hàng hải, ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, đang trên đà trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới, nhưng đại dịch đã tác động mạnh đến hoạt động hàng hải của ASEAN, tuy nhiên những khó khăn, thách thức vừa qua cũng chính là động lực vô hình thúc đẩy cộng đồng hàng hải ASEAN năng động hơn, đưa ra các sáng kiến để thúc đẩy hàng hải phát triển.

Năm 2021, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam đạt 703 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2020, riêng khối lượng hàng container đạt hơn 24 triệu TEUs. Bất chấp tình hình dịch bệnh và có lúc Singapore áp dụng quy định phòng dịch nghiêm ngặt nhưng quốc đảo này vẫn tiếp tục được chọn là cảng trung chuyển container bận rộn nhất thế giới năm 2021, xử lý tổng cộng 599 triệu tấn hàng hóa. Công suất container đi qua Singapore đã tăng kỷ lục lên đạt 37,5 triệu TEUs, 5 năm liên tiếp giữ vị trí cảng biển hàng đầu thế giới.

Khó khăn, thách thức trong đại dịch cũng chính là động lực để ASEAN thúc đẩy hàng hải phát triển.

Về lĩnh vực nông nghiệp, các nước ASEAN ưu tiên phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao có khả năng cạnh tranh, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập tốt vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Theo dự báo mới nhất của Viện nghiên cứu Lương thực Quốc gia (NFI) có trụ sở ở Bangkok, xuất khẩu lương thực-thực phẩm của Thái Lan trong năm nay có khả năng lập kỷ lục 1,2 nghìn tỷ Baht, tương đương 35 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đường sẽ tăng ít nhất 40% trong niên vụ 2021-2022; Gạo, nông sản xuất khẩu số 1 của Thái Lan sẽ đạt ít nhất 5 triệu tấn trong năm nay, mức cao nhất 4 năm qua; khối lượng xuất khẩu thịt gà chế biến có thể đạt 950.000 tấn trong năm nay, tăng hơn 2% so với năm 2021. Còn theo Cục Thống kê Malaysia (DoSM), năm 2021 xuất khẩu nông sản của Malaysia đạt 209,5 tỷ ringgit, tăng 38,4% so với tổng xuất khẩu năm 2020 là 151 tỷ ringgit.


Về lĩnh vực du lịch, là một thành phần quan trọng của kinh tế ASEAN nhưng tầm quan trọng của ngành này ở mỗi nước một khác. Hai nền kinh tế nổi bật là Thái Lan và Việt Nam, với doanh thu từ du lịch lên tới 10% GDP vào năm 2019. Tuy nhiên, con số này đã giảm mạnh vào năm 2020 và 2021 khi đại dịch buộc các nền kinh tế phải đóng cửa biên giới. Trong khi đó, Malaysia và Philippines hầu như không có nguồn thu từ khách du lịch nào vào năm 2021.

Tháng 6/2022, chính phủ Campuchia đã công bố Kế hoạch đồng tài trợ phục hồi du lịch (TRCS) trị giá 150 triệu USD, dự kiến sẽ thu hút một triệu khách du lịch quốc tế vào năm 2022, cao hơn nhiều so với 200.000 của năm 2021. Theo Hiệp hội Du lịch Indonesia, lượng khách nước ngoài đến Bali dự kiến sẽ đạt mức trước đại dịch là 6 triệu người vào năm 2025. Tính chung trong 6 tháng đầu năm nay, quốc gia Đông Nam Á này đã đón 743.210 lượt khách quốc tế, tăng 929,66% so với cùng năm ngoái.

Du lịch tại các quốc gia Đông Nam Á đang dần phục hồi.

Tham gia thảo luận tại AEM-54, đoàn đại biểu Việt Nam đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến tích cực, trong đó có định hướng hợp tác kinh tế giữa ASEAN với các đối tác ngoại khối trong thời gian tới nhằm đảm bảo đem lại lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp Việt Nam và ASEAN, góp phần vào quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Tới đây, ASEAN sẽ chú trọng nhiều hơn đến hệ thống thương mại trên cơ sở luật lệ, nguyên tắc toàn cầu hóa, cơ chế đa phương, tự do hóa thương mại và đầu tư trong khu vực, vấn đề chống bảo hộ và nâng cao khả năng chống chịu của chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, việc kết nối hậu cần, xây dựng kinh tế số, bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng sạch, phát triển bền vững và an ninh lương thực….nhằm đẩy mạnh phục hồi kinh tế một cách hiệu quả./.

Bài: VNP tổng hợp - Ảnh: TTXVN


Top