Đầu tư hạ tầng hàng không, kết nối phát triển kinh tế

Đầu tư hạ tầng hàng không, kết nối phát triển kinh tế

Trong những năm qua, hạ tầng hàng không ở Việt Nam được nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới với nhiều nguồn lực đầu tư của nhà nước và xã hội hóa, tuy nhiên vẫn chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng, phát triển của quốc gia và quốc tế. Coi đây là một trong những đột phá nhằm thúc đẩy kinh tế, phát triển du lịch và thu hút đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

 Giai đoạn 2011- 2020, tốc độ phát triển của ngành Hàng không Việt Nam rất cao, trung bình từ 16-18%/năm, được Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) đánh giá là tốc độ phát triển hàng không nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 5 thế giới. Song, tốc độ phát triển nhanh của vận tải hàng không đã gây áp lực lên kết cấu hạ tầng cảng hàng không.

Ở giai đoạn này, kết cấu hạ tầng hàng không Việt Nam có công suất thiết kế là 95 triệu lượt hành khách/năm trong khi thực tế thời điểm cao nhất trước COVID-19 năm 2019, sản lượng thông qua các cảng hàng không của Việt Nam đã đạt 116,5 triệu hành khách/năm (vượt khoảng hơn 20 triệu lượt khách). Với lưu lượng như vậy, một số cảng hàng không đã quá tải hạ tầng, nhất là Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cam Ranh, Đà Nẵng.

Hiện nay, Việt Nam đang khai thác 22 cảng hàng không, trong đó có 21 cảng hàng không do doanh nghiệp nhà nước là Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) quản lý và một cảng hàng không đã kêu gọi, huy động xã hội đầu tư theo hình thức PPP là Cảng Hàng không Vân Đồn, Quảng Ninh.

 

Thực tiễn đã chứng minh, giao thông vận tải nói chung và sân bay, bến cảng nói riêng mang lại hiệu quả rõ nét về phát triển kinh tế - xã hội. Giao thông phát triển đến đâu sẽ mở ra không gian phát triển đến đó, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch được hình thành, quỹ đất được khai thác hiệu quả. Trong đó, hạ tầng hàng không có tính đặc thù cao, phức tạp và hội nhập quốc tế sâu rộng.

“Việc phát triển hàng không vừa có tính kinh tế cao, tiết kiệm thời gian, kết nối rộng rãi toàn thế giới, phù hợp với xu thế hợp tác và phát triển trên thế giới”, Thủ tướng chỉ rõ.

Cần cẩu tháp phục vụ thi công nhà ga sân bay Long Thành. Ảnh: TTXVN
Kỹ sư kiểm tra việc thi công nhà ga hành khách sân bay Long Thành. Ảnh: Công Phong/TTXVN

 Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ nay đến năm 2030, cả nước có 30 cảng hàng không, sân bay; tầm nhìn đến năm 2050, cả nước sẽ hình thành 33 sân bay. Quy hoạch xác định các dự án quốc gia, dự án trọng điểm ưu tiên đầu tư xây dựng mới hoặc mở rộng gồm: các cảng hàng không quốc tế quan trọng, đóng vai trò đầu mối Long Thành, Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc.

Nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 khoảng 420.000 tỉ đồng, được huy động từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.

 
Theo các chuyên gia, chúng ta cần tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi, thủ tục hành chính đơn giản; phải có cách thức để mở rộng hạ tầng hàng không, bởi nếu không, không chỉ là nghẽn trong đi lại mà còn nghẽn cả nền kinh tế, không thể kết nối, không thể phát triển du lịch, không thể thu hút đầu tư… Ngoài ra, cần cải tiến phương pháp tổ chức đầu tư, cải cách hành chính để quyết tâm lựa chọn các nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm, tâm huyết, nhằm nâng cao hiệu quả việc huy động các nguồn lực cho phát triển hạ tầng hàng không./.
  • Bài: Báo ảnh Việt Nam tổng hợp
  • Ảnh: TTXVN
  • Kỹ thuật, đồ họa: Trang Nhung

 


Top