Dấu ấn Simexco Daklak

Dấu ấn Simexco Daklak

Đứng chân trên địa bàn Tây Nguyên, nơi có vùng cà phê Robusta lớn và nổi tiếng nhất của Việt Nam nên Simexco Daklak có lợi thế vươn lên trở thành một trong những nhà xuất khẩu cà phê nhân lớn nhất của cả nước. Với công nghệ chế biến hiện đại và nguồn nguyên liệu dồi dào nhờ chuỗi liên kết nông nghiệp bền vững lên tới hơn 40.000 hộ nông dân, nên mỗi năm Simexco Daklak có thể xuất khẩu tới 120.000 tấn cà phê đến hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. 

Simexco Daklak - thương hiệu cà phê hàng đầu Việt Nam. Ảnh: Thanh Hòa & Trịnh Bộ/Báo ảnh Việt Nam 

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco Daklak) là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước của tỉnh Đắk Lắk. Nhờ nắm bắt kịp thời xu thế thị trường cà phê thế giới nên Simexco Daklak đã sớm xây dựng được một chiến lược dài hơi, bài bản nhằm từng bước chinh phục, mở rộng và giữ vững được thị trường xuất khẩu cà phê của mình. Tính đến nay, Simexco Daklak đã mở rộng thị trường đến hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có những thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng như: Mĩ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Italia, Anh, Hà Lan, Trung Quốc.

Điểm mạnh của Simexco Daklak là không chỉ đơn thuần dựa vào nguồn nguyên liệu cà phê dồi dào sẵn có của vùng Tây Nguyên mà chính là chiến lược đầu tư sâu, mạnh vào công nghệ sản xuất, chế biến theo hướng hiện đại cùng với việc xây dựng lại nguồn nguyên liệu theo hướng bền vững, ổn định, chất lượng cao bằng cách xây dựng chuỗi liên kết với hơn 40 ngàn hộ nông dân, những người đang sở hữu tới gần 50 nghìn ha đất đai màu mỡ, để canh tác cà phê Robusta chất lượng cao và cà phê đặc sản.

Simexco Daklak hiện đã xây dựng được chuỗi liên kết hơn 40.000 hộ nông dân với gần 50 nghìn ha đất canh tác để tạo nên nguồn nguyên liệu ổn định bền vững. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam & Tư liệu

Với chiến lược ấy, Simexco Daklak đã sớm liên kết với người nông dân để trồng và chế biến cà phê đặc sản và cà phê chất lượng cao theo hướng xây dựng chuỗi cung ứng khép kín từ nông trại cho đến người tiêu dùng bằng cách hướng dẫn người nông dân thay đổi tư duy canh tác, tư duy chế biến, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm cà phê đặc sản và cà phê chất lượng cao cho người dân, đưa sản phẩm đến với các cuộc thi cà phê đặc sản của Việt Nam và thế giới… nhằm đem lại giá trị lợi ích cao nhất cho tất cả các thành phần trong chuỗi liên kết.

Từ 1993 đến 2023, Simexco Daklak đã đạt được những thành quả ấn tượng như: xây dựng được chuỗi liên kết với hơn 40.000 nông hộ, mở rộng thị trường xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổng doanh thu đạt 83.000 tỉ đồng, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 3.900 triệu USD, tổng lượng cà phê xuất khẩu đạt hơn 2,2 triệu tấn, đóng góp vào ngân sách nhà nước hơn 570 tỉ đồng…

Đáng chú ý, với yêu cầu ngày càng khắt khe từ phía các nhà nhập khẩu, đặc biệt là việc Châu Âu đưa ra quy định cấm phá rừng và sử dụng lao động trẻ em trong trồng và chế biến cà phê, Simexco Daklak đã mạnh dạn sớm nói không với tình trạng này. Theo đó, doanh nghiệp đẩy mạnh việc phát triển bền vững nhằm cải thiện sinh kế cho người dân nhưng vẫn bảo vệ được môi trường trên cơ sở chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, giảm dần phát thải khí nhà kính. Tính đến nay, Simexco Daklak đã tái canh được 3,5 triệu cây giống; trồng 2,8 triệu cây che bóng, cây tán rừng, trồng xen cây rừng vào vườn cà phê; thực hiện được 7.500ha cảnh quan bền vững giảm phát thải khí nhà kính…

Song song với đó, việc đầu tư công nghệ theo hướng hiện đại vào sản xuất, chế biến cũng giúp Simexco Daklak nâng cao năng suất, hiệu quả và chất lượng đầu ra của sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các nhà nhập khẩu. Điển hình như việc doanh nghiệp đã cho xây dựng hệ thống kho hàng và 03 nhà máy chế biến lớn với tổng diện tích lên gần 80.000m2 ở Đắk Lắk và Bình Dương với năng lực có thể sản xuất hàng trăm tấn mỗi ngày.

Việc đầu tư công nghệ và cơ sở hạ tầng chế biến đồng bộ, hiện đại đã giúp Simexco Daklak làm chủ được sản phẩm đầu ra ổn định, chất lượng cao. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Với những nỗ lực đó, kể từ ngày thành lập (1993) đến nay, Simexco Daklak đã đạt được những thành quả hết sức to lớn như: tổng doanh thu đạt 83.000 tỉ đồng, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 3.900 triệu USD, tổng lượng cà phê xuất khẩu đạt hơn 2,2 triệu tấn, đóng góp vào ngân sách nhà nước hơn 570 tỉ đồng…

Riêng niên vụ 2022-2023, mặc dù tình hình kinh tế, sản xuất còn gặp nhiều khó khăn sau đại dịch COVID-19 và sự biến động lớn của tình hình kinh tế thế giới nhưng Simexco Daklak tiếp tục là đơn vị dẫn đầu về xuất khẩu cà phê nhân của tỉnh Đắk Lắk với 105.667 tấn, đạt kim ngạch gần 227 triệu USD. 

Simexco Daklak luôn đem đến niềm tin vững chắc cho mọi đối tác bằng chính uy tín và chất lượng sản phẩm của mình. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Được biết, từ ngày 01/01/2023, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk chính thức được hưởng cơ chế đặc thù đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên và trong đó có những chính sách rất cụ thể liên quan đến đẩy mạnh phát triển ngành cà phê để sớm đưa Buôn Ma Thuột trở thành thành phố cà phê của thế giới.

Trước cơ hội này, phát biểu tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023, ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Simexco Daklak đã không giấu được niềm khao khát cháy bỏng khi nói về tương lai của ngành cà phê Việt Nam mà trong đó có một phần đóng góp không nhỏ của Simexco rằng: “Một ngày không xa khi thế giới nghĩ về cà phê robusta sẽ nhớ đến Việt Nam và nghĩ ngay đến Buôn Ma Thuột, thành phố cà phê của thế giới. Tương tự như rượu vang là nhớ đến Bordeaux vủa Pháp, phim ảnh là nhớ đến Hollywood của Mỹ”./.

  •  
  • Bài: Thanh Hòa
  • Ảnh: Thanh Hòa, Trịnh Bộ/Báo ảnh Việt Nam & Tư liệu của Simexco Daklak 

Top