“Cung điện” thạch nhũ nơi địa đầu Tổ quốc

“Cung điện” thạch nhũ nơi địa đầu Tổ quốc


Cái tên động Ngườm Ngao đã gợi lên sự bí ẩn, thôi thúc du khách đến mảnh đất địa đầu Cao Bằng để tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm một “cung điện” thạch nhũ đẹp lung linh, huyền ảo.

Động Ngườm Ngao thuộc bản Gun, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh. Tương truyền, xưa kia trong động có rất nhiều hổ dữ sinh sống, ngày đêm phát ra những tiếng gầm gào đáng sợ, nên người Tày nơi đây mới đặt tên động là Ngườm Ngao có nghĩa là động hổ.

Động Ngườm Ngao được phát hiện ra vào năm 1921 bởi một nhà thám hiểm người Pháp. Theo các nhà nghiên cứu khoa học thì động Ngườm Ngao là hang động đá vôi được hình thành cách ngày nay khoảng 300 triệu năm. Theo khảo sát của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh năm 1995, hang động này có tổng chiều dài 2.144 mét, có 3 cửa chính: Ngườm Ngao, Ngườm Lồm và Bản Thuôn. Còn theo kết quả khảo sát năm 2016 của Viện Địa chất khoáng sản, động dài 2.769,6m, sâu 61,1m, có 2 tầng hang hoạt động (ngang mức suối) và hóa thạch (cao hơn suối khoảng 50m). Động có 5 cửa ở các khoảng độ cao 420-507m trên mực nước biển.


Nhiều khối nhũ đá lạ mắt làm du khách cảm thấy choáng ngợp trong lòng động Ngườm Ngao.

Ở động Ngườm Ngao thường được chia thành 2 mùa rõ rệt: mùa nước và mùa khô, mỗi mùa bên trong hang động lại mang những vẻ đẹp khác nhau. Thời điểm từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau là thời gian mùa khô của Cao Bằng nên những con suối trong động Ngườm Ngao còn ít nước, khiến cho việc di chuyển, thám hiểm của khách du lịch trở nên thuận tiện, dễ dàng hơn rất nhiều. Mùa nước ở Cao Bằng thường bắt đầu từ khoảng tháng 5 đến tháng 9, lúc này trong động có các dòng nước chảy, ánh điện khi chiếu vào trông giống như những viên ngọc lấp lánh trong màn đêm. Nhiệt độ hang động thường thấp hơn so với bên ngoài nên nếu du khách đi vào tầm hè thì rất mát mẻ, dễ chịu.

Khám phá Ngườm Ngao, đu khách dường như đang lạc vào một thế giới khác. Càng đi sâu vào trong động, du khách sẽ bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp của những lớp thạch nhũ vàng rực, lấp lánh tựa như được dát vàng phủ lên đá với muôn hình khác nhau. Có những nhũ đá mọc từ dưới lên, có nhũ đá thả từ trên các vòm đá cao rủ xuống với nhiều hình thù, dưới ánh sáng của điện thắp trong hang, phản chiếu ánh sáng lung linh, huyền ảo.

Nổi bật trong số các khối nhũ đá là khối đài sen úp ngược và cột đá cô đơn. Chuyện kể rằng, ngày xưa có một vị Phật ngồi trên đài sen tu mãi mà không thành chính quả. Vì quá buồn chán, nản chí nên ngài đã úp ngược đài sen xuống, còn mình thì biến thành cột đá đứng bên cạnh. Về mùa mưa, nước từ những cánh hoa nhỏ nước xuống vừa đẹp mắt vừa vui tai. Tương truyền rằng nếu như hứng được những giọt nước từ bàn tay Phật rớt xuống, rồi xoa lên mặt, người đó sẽ gặp được nhiều điều may mắn.

 

Vẻ đẹp của những khối thạch nhũ ở động Ngườm Ngao.

Khu “tứ trụ thiên đình” với 4 cột đá trông như 4 cột chống trời vươn cao đỡ lấy vòm động. Khu trung tâm nổi bật với mấy nhũ đá có hình dáng tựa những cây đàn đá, mỗi khi gõ vào phát ra tiếng nhạc du dương. Tạo hóa cũng khéo léo sắp đặt nên những nhũ đá có hình dáng đức Phật, tượng ông, tượng bà bên nhau, ruộng bậc thang, cô tiên, giường tiên, thuyền rồng của nhà vua, con voi ma mút, cây san hô cao lớn, thác bạc lấp lánh, cột đá cô đơn.. 

Không chỉ có vẻ đẹp của nhũ đá, trong lòng động Ngườm Ngao còn có nhiều con suối nhỏ, nước chảy rì rào đêm ngày, phát ra tiếng róc rách, đưa du khách lạc vào chốn sơn thủy hữu tình. Chính những dòng suối cũng góp phần tạo ra sự mát lạnh trong động vào mùa Hè.

Một trong những nét độc đáo nhất của động Ngườm Ngao chính là những “thửa ruộng bậc thang” do sàn đá vôi bị xâm thực và phong hóa suốt nhiều triệu năm. Những hình thù trên nền động trông cứ như đi trên bờ biển đầy cát sau những con sóng rút xa bờ. Đây cũng là điểm độc đáo của Ngườm Ngao so với nhiều hang động khác./.

Động Ngườm Ngao có khe hở thông lên trời, vào đúng 14 giờ chiều ngày 22/4 hàng năm, có 3 luồng ánh sáng gặp nhau làm một khoảng lòng động rực sáng như ban ngày trong vài phút. Một hiện tượng kỳ thú mà thiên nhiên ban tặng cho riêng động Ngườm Ngao.

Tháng 4.2018, UNESCO đã công nhận Công viên Địa chất non nước Cao Bằng là Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO. Động Ngườm Ngao đã góp một phần về giá trị địa mạo, địa chất để làm nên danh hiệu này.

  • Nội dung: Thông Thiện/Báo ảnh Việt Nam
  • Ảnh: Nguyễn Thắng, Hoàng Hà, Thông Thiện/Báo ảnh Việt Nam 

 

 

 


Top