Cầu nối trăm nghề ở Phường Bách Nghệ

Cầu nối trăm nghề ở Phường Bách Nghệ

Với mong muốn bảo tồn và phát huy giá trị sản phẩm các làng nghệ Việt, phường Bách Nghệ do anh Ngô Quý Đức mở từ tháng 6/2024 đến nay tại Hà Nội đã tổ chức trưng bày theo nhiều chuyên đề cho nhiều người tới tham quan và trải nghiệm để hiểu thêm giá trị văn hóa ẩn sâu trong các sản phẩm của làng nghề Việt.

Từ tháng 6/2024 đến nay, phường Bách Nghệ đã tổ chức trưng bày nhiều chuyên đề liên quan đến nghề truyền thống.

Tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ thông tin nhưng anh Ngô Quý Đức lại cảm nhận được sự kết nối sâu sắc với di sản văn hóa của dân tộc. Trong những lần đi về một số làng nghề, anh Quý chứng kiến tận mắt bàn tay tài hoa của những nghệ nhân thực hiện sản phẩm thủ công. Điều này đã dường như thôi thúc anh về hành trình gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của các làng nghề Việt.17 năm gắn bó với các làng nghề truyền thống, anh Ngô Quý Đức đã có ý tưởng xây dựng không gian Phường Bách Nghệ trở thành trung tâm nghiên cứu, phát triển và ứng dụng tạo ra các sản phẩm văn hóa cho làng nghề Việt Nam.


Anh Đức chia sẻ: “Nghề thủ công là một phần không thể thiếu trong nét văn hóa của Việt Nam. Tuy nhiên hiện nay theo xu thế công nghiệp hóa nên nhiều làng nghề đang bị mai một nên tôi nghĩ việc bảo tồn tinh hoa sản phẩm càng cần được quan tâm. Sở dĩ tôi lấy tên là Bách Nghệ vì tên này cũng ứng với bách nghề là trăm nghề, để khi mọi người đến tham quan và trải nghiệm tự tay làm các sản phẩm sẽ có thể tìm hiểu sâu hơn về các làng nghề truyền thống. Đó cũng là cách nhanh nhất để đưa những sản phẩm thủ công quay trở lại đời sống của người Việt”.

Đông đảo những người yên mến nghề truyền thống đến tìm hiểu tại các chuyên đề tổ chức ở đây. ( ảnh tư liệu )

Để giúp những người đi tham quan hiểu sâu về từng sản phẩm làng nghề, phường Bách Nghệ tổ chức trưng bày theo chuyên đề từng làng nghề theo tháng. Ngoài ra, không chỉ thực hiện công tác trưng bày mà phường Bách Nghệ tập trung vào việc trải nghiệm thực hiện sản phẩm để mọi người có thể tìm thấy sự kết nối với văn hóa Việt qua từng sản phẩm thủ công. Từ đó cùng nhau tiếp tục viết nên những chương mới cho các làng nghề truyền thống.



Kể từ lúc mở cửa đến nay, Phường Bách Nghệ đã tổ chức chuyên đề như “Mộc bản Thanh Liễu- Hành trình hồi sinh một làng nghề” bằng việc thực hiện giao lưu giữa nghệ nhân làng Thanh Liễu và người tham quan và tổ chức thực hành khắc mộc bản để mọi người hiểu được kỹ thuật độc đáo của nghề in khắc mộc bản. Bên cạnh đó anh Đức còn tổ chức tham gia xưởng sáng tác tại phường Bách Nghệ như hoạt động tương tác trưng bày nghề sơn, tìm hiểu về gốm, sơn mài và cắm hoa.

Mọi người được tận mắt xem cách thức sản xuất những sản phẩm thủ công truyền thống.

Tháng 8 khi sắp vào dịp lễ Tết Trung thu, phường Bách Nghệ tổ chức chuyên đề “Cải tiến đồ chơi trung thu với tư duy thiết kế mới” nhận được sự tham gia của rất nhiều bạn trẻ. Tại phường Bách Nghệ trưng bày các sản phẩm gắn liền với tết Trung thu trong ký ức tuổi thơ của mỗi người, đó là hình như những ông tiến sĩ giấy, đèn trung thu…với không gian trưng bày đậm chất văn hóa Việt.

Phường bách nghệ là địa chỉ dần thân thuộc với những người yêu mến nghề truyền thống.

Khác với những không gian văn hóa khác, phường Bách Nghệ kết hợp với nhiều doanh nghiệp, các chuyên gia trong các lĩnh vực để xây dựng hợp tác kết nối trong mỗi chuyên đề làng nghề được tổ chức.

Anh Ngô Quý Đức chia sẻ “Việc kết nối với các doanh nghiệp trong quá trình triển khai sẽ tạo thúc đẩy được sự phát triển cho các sản phẩm làng nghề tới cộng đồng hơn để mọi người cùng viết nên những chương mới cho làng nghề truyền thống”./.

Bài: Ngân Hà- Ảnh: Việt Cường/Báo ảnh Việt Nam & Tư liệu


Top