Cảng Cái Mép – Thị Vải khẳng định vị thế cảng biển Việt Nam

Cảng Cái Mép – Thị Vải khẳng định vị thế cảng biển Việt Nam

Tàu MSC ALEXANDRA có trọng tải toàn phần 165.908 tấn, chiều dài 365,5m cập cảng SSIT để xếp dỡ gần 12.000 TEU hàng hóa.

Cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu), một trong hai cảng đặc biệt của Việt Nam hiện nay (cùng với cảng quốc tế Hải Phòng), đóng vai trò là cảng cửa ngõ kết nối giao thương hàng hóa đường thủy của các tỉnh Nam Bộ và là cảng trung chuyển quốc tế công suất lớn, giúp rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.

Nằm ở cửa sông Thị Vải và sông Cái Mép, cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải là cụm cảng biển nước sâu thuộc thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với tổng chiều dài hơn 14km. Được chính thức đưa vào hoạt động từ tháng 01/2011, cảng Cái Mép – Thị Vải có khả năng cung cấp cho khách hàng những dịch vụ cảng container đạt tiêu chuẩn quốc tế.


Tàu COSCO SHIPPING ROSE cập cảng Cái Mép-Thị Vải ngày 24/10/2023.

Với luồng chạy tàu có độ sâu âm 14m, độ sâu khu vực bến cảng âm 16,8m và vũng quay tàu rộng 500m, cảng trở thành nơi trung chuyển hàng hoá giao thương thuận lợi giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới, đặc biệt thích hợp cho việc phục vụ các siêu tàu trọng tải lên đến 160.000 DWT (tương đương với 14.000 TEU).

Với cơ sở vật chất và thiết bị hiện đại, gồm 03 cầu tàu dài 890m, 03 bến sà lan dài 270m, bãi container rộng 55ha với sức chứa gần 51.500 TEU, 10 cẩu bờ STS, 22 cẩu bãi, 03 cẩu chuyên dụng cho sà lan, 76 xe đầu kéo, 05 xe nâng hàng và 05 xe nâng rỗng, cảng có thể tiếp nhận các thế hệ tàu hiện đại nhất thế giới hiện nay, giúp rút ngắn đáng kể thời gian vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu giữa khu vực Nam Bộ với các nước thay vì phải quá cảnh ở Singapore như trước đây.


Nhận thấy tiềm năng lớn của cảng biển Cái Mép-Thị Vải, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Bộ Giao thông Vận tải thống nhất mục tiêu, phối hợp và tập trung mọi nguồn lực đầu tư, phát triển hệ thống cảng biển này trở thành cảng cửa ngõ, cảng trung chuyển quốc tế cấp đặc biệt của quốc gia. Theo định hướng phát triển của địa phương, ngành cảng biển và hậu cần sẽ được phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn chủ lực của tỉnh, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh biển.


Trong tương lai gần, việc những dự án hạ tầng giao thông lớn đã và đang được các địa phương lân cận triển khai thực hiện, như cao tốc Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây – Phan Thiết, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, sân bay quốc tế Long Thành…, sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ công năng khai thác hàng hóa của cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, từ đó trở thành cảng trung chuyển quan trọng, hiệu quả và mang tầm quốc tế, đồng thời khẳng định vị thế cảng biển Việt Nam trên bản đồ hàng hải thế giới./.

Siêu tàu container M/V OOCL với sức chở 24.188 TEU của hãng tàu OOCL trong chuyến hành trình đầu tiên kết nối giữa châu Á và châu Âu.

Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh: Huỳnh Sơn


Top